Báo động ô nhiễm trắng toàn cầu
Ô nhiễm trắng là một khái niệm đã cũ nhưng chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ô nhiễm trắng là từ dùng để chỉ tình trạng lượng rác thải nhựa tăng cao, gây ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu.
Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon hay còn gọi là "ô nhiễm trắng", gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Vì vậy, việc kiểm soát rác thải nhựa và túi nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay.
Ô nhiễm trắng là gì?
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon đang rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế.
Ở Việt Nam, các sản phẩm làm bằng nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, nhất là những thành phố lớn. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nhựa và túi nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, đồng thời là nguyên nhân gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Túi nilon còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ngập úng... Mặt khác, nếu đốt túi nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và gây ung thư.
Một số chính sách góp phần đẩy lùi ô nhiễm trắng
Năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon", nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Cùng chung nỗ lực đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.
Trước thách thức về tình trạng rác thải nhựa và túi nilon, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có rác thải nhựa nói riêng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon được đẩy mạnh. Một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định phân loại rác từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hay EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tái chế bao bì sản phẩm.
Điều 54, Khoản 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
Điều 55, Khoản 1,2:
1.Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
2.Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Linh Chi