Thứ sáu, 04/04/2025 20:32 (GMT+7)
Thứ ba, 10/08/2021 06:20 (GMT+7)

Báo động biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ở mọi khu vực trên toàn cầu. Các nhà khoa học cũng đang quan sát những thay đổi trên toàn bộ hệ thống khí hậu của Trái đất, trong khí quyển, đại dương, băng trôi.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (LHQ) được công bố ngày 9/8, biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến, nhanh chóng và ngày càng gia tăng, theo xu hướng hiện không thể đảo ngược, ít nhất là trong khung thời gian hiện tại. Báo cáo do 234 nhà khoa học đến từ 66 quốc gia thực hiện. 

Báo cáo cho biết, nhiều thay đổi trong số này là chưa từng có và một số thay đổi đang diễn ra ngay bây giờ, trong khi một số thay đổi - chẳng hạn như mực nước biển tiếp tục dâng - đã “không thể đảo ngược” trong nhiều thế kỷ đến thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của IPCC cho rằng, vẫn còn thời gian để hạn chế biến đổi khí hậu. Việc giảm mạnh phát thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác có thể nhanh chóng làm cho chất lượng không khí tốt hơn và nhiệt độ toàn cầu có thể ổn định trong 20 đến 30 năm nữa.

Báo động biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh - Ảnh 1
Khí hậu trên trái đất ngày càng nóng lên khiến băng tan nhanh. (Ảnh minh họa)

Báo cáo nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Hồi năm 2019, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 2 triệu năm và nồng độ khí mêtan và nitơ oxit cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua.

Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua. Chẳng hạn, nhiệt độ trong thập kỷ gần đây nhất (2011 – 2020) vượt quá nhiệt độ của thời kỳ ấm áp trong nhiều thế kỷ gần đây nhất, khoảng 6.500 năm trước. Trong khi đó, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900, hơn bất kỳ thế kỷ trước đó trong ít nhất 3.000 năm qua.

Báo cáo chỉ ra rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên khoảng 1,1 độ C trong giai đoạn 1850-1900, đồng thời, tính trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ chạm hoặc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, báo cáo trên giống như một cảnh báo màu đỏ đối với nhân loại. Đó là tiếng chuông báo động và bằng chứng không thể chối cãi. Ông nhấn mạnh, mức nhiệt độ được quốc tế thông qua, 1,5 độ C, so với mức nhiệt toàn cầu ở thời kỳ tiền công nghiệp là không dễ dàng đạt được, do đó, cần đẩy mạnh nỗ lực và kiên trì để đạt được mục tiêu này.

“Nếu chúng ta ứng phó với cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu bằng sự đoàn kết và lòng dũng cảm, chúng ta có thể nhận được nền kinh tế xanh, thịnh vượng, không khí sạch hơn và sức khỏe tốt hơn cho tất cả mọi người”.

- Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres -

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Báo động biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Kiên định với mục tiêu phát triển xanh
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn thể hiện rõ quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế nhưng gắn chặt với phát triển bền vững.
Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.

Tin mới