Bán rẻ tài sản nhà nước, Vinalines "móc ví" 415 tỉ đồng mua lại cảng Quy Nhơn
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chuyển số tiền 415 tỉ đồng để mua lại hơn 75% cổ phần CTCP cảng Quy Nhơn để làm các thủ tục sang tên sở hữu cổ phần.
Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam đang tiến hành các thủ tục sang tên 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn của CTCP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành trả lại cho Vinalines. Số tiền 415 tỉ đồng mà Vinalines đã chi ra sau khi đạt được thoả thuận mua lại cổ phần với giá trị bằng đúng số tiền Hợp Thành đã mua cảng Quy Nhơn trước đây.
Việc Vinalines mua lại cổ phần cảng Quy nhơn từ Công ty Hợp Thành là thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ sau khi kiểm tra, xem xét lại quá trình cổ phần hoá cảng này có sai phạm, bán rẻ tài sản Nhà nước…
Hiện hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và tính toán thông qua định giá tài sản độc lập để thanh toán chi phí đầu tư các hạng mục dự án của nhà đầu tư sau khi mua cảng Quy Nhơn.
Quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn và bán cổ phần cho tư nhân có sai phạm nghiêm trọng |
Trong khi chờ hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng, Vinalines đã bố trí nhân sự trong HĐQT cảng Quy Nhơn để nắm lại quyền điều hành, sẽ tiếp quản chi phối trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của cảng Quy Nhơn, dự kiến diễn ra cuối tháng 6 tới.
Trước đó, ngày 5/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng một số lãnh đạo của Bộ GTVT mắc vi phạm, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Nhất là các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn khi bán rẻ tài sản cho tư nhân.
Cụ thể, ngày 4/2/2013, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (nhiệm kỳ từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã ký quyết định đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015. Theo đó, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn.
Nhưng đến ngày 4/4/2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Vinalines cho chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần của doanh nghiệp. UBND tỉnh Bình Định giải thích là "để tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn từ năm 2013 trở đi theo quy hoạch đã được phê duyệt", vì tỉnh cho rằng cảng Quy Nhơn đã quá tải, cần nâng cấp mở rộng…
Ngày 27/5/2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký tiếp văn bản với nội dung xét đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, Thủ tướng có ý kiến như sau: "Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hoá cảng Quy Nhơn theo phương thức Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ; các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau cổ phần hoá, công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán".
Sau cuộc làm việc với tỉnh Bình Định vào đầu năm 2014, Bộ GTVT đã thông báo:"Giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt trong quý 1/2014”.
Đến ngày 8/9/2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký tiếp công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT, cho phép bán hết phần vốn của Vinalines tại cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Quá trình thoái vốn, bán cổ phần cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư bên ngoài diễn ra nhanh chóng và Công ty Hợp Thành xuất hiện trong tư cách nhà đầu tư chiến lược đã mua lại toàn bộ phần vốn của Vinalines. Sau đó, Công ty Hợp Thành đã sở hữu tới 86,23% vốn điều lệ (348/404 tỉ đồng) của Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9/2019, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn chỉ ra nhiều sai phạm nên yêu cầu thu hồi 75% cổ phần nhà nước bị bán sai về lại sở hữu của Nhà nước.
Trong quá trình đàm phán, Công ty Hợp Thành đã đề nghị số tiền chuyển nhượng 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn là khoảng 750 tỉ đồng, song mức giá cuối cùng được Vinalines chấp nhận là đúng số tiền đã bán là 415 tỉ đồng.
Hải Nam