Thứ bảy, 23/11/2024 02:51 (GMT+7)
    Thứ tư, 15/12/2021 14:00 (GMT+7)

    Bản đồ phát thải PM2.5 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

    Theo dõi KTMT trên

    Sau khi lập báo cáo về nồng độ phát thải PM2.5, Tạp chí Tia Sáng đã phối hợp với Live & Learn đã “vẽ” một bức tranh tổng quan hơn trên cả nước. Bản đồ hiện trạng bụi PM2.5 toàn quốc cụ thể hóa báo cáo và xác định chính xác từng địa điểm ô nhiễm.

    Bức tranh tổng quan

    Nồng độ PM2.5 là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng không khí. PM2.5 – những hạt bụi mang theo các chất thải từ nơi nó sinh ra, có kích thước nhỏ tới mức có thể dễ dàng chui vào các phế nang, máu… của con người.

    Theo một báo cáo gần đây, Hà Nội có gần 3.000 người tử vong sớm vì ô nhiễm bụi PM2.5 vào năm 2019. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ghi nhận trong hệ thống quản lý tử vong hành chính của Thủ đô. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

    Bản đồ phát thải PM2.5 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam - Ảnh 1
    Bức tranh tổng quan cả nước về tình trạng bụi mịn PM2.5. (Ảnh: Tạp chí Tia sáng)

    Sau Hà Nội, các tác giả của báo cáo trên tiếp tục đi đến việc “vẽ” một bức tranh tổng quan hơn trên cả nước. Từ trước đến nay, các nghiên cứu liên quan đến PM2.5 ở Việt Nam chủ yếu phản ánh hiện trạng ở một vài khu vực riêng lẻ.

    Điều đó cũng dễ hiểu, các trạm quan trắc không khí tiêu chuẩn của nhà nước có nhiều hạn chế: nơi thì không có, nơi thì tập trung quá nhiều, có trạm hỏng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa nên dữ liệu “phập phù” nhiều tháng trời. Còn trạm cảm biến giá thấp của tư nhân có độ chính xác thấp và chất lượng không đồng đều.

    Bản đồ phát thải PM2.5 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam - Ảnh 2
    Bức tranh nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm 2020 ở các tỉnh. (Ảnh: Tạp chí Tia sáng)

    Vào ngày 1/12 vừa qua, Tạp chí Tia Sáng đã phối hợp với Live & Learn tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020. Đây có thể coi là báo cáo đầu tiên cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trên toàn quốc, cụ thể đến từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    Các tác giả đã xây dựng bản đồ dữ liệu về hiện trạng bụi PM2.5 dựa vào mô hình thống kê MEM – Mixed Effect Model, hay còn gọi là mô hình ảnh hưởng hỗn hợp. Dữ liệu huấn luyện mô hình này đến từ các trạm quan trắc tiêu chuẩn mặt đất, bản đồ khí tượng, bản đồ sử dụng đất và dữ liệu vệ tinh (AOD).

    AOD – Aerosol Optical Depth (độ sâu quang học sol khí) là dữ liệu ghi lại từ vệ tinh nồng độ của các phân tử trong không khí ngăn cản ánh sáng mặt trời. AOD sẽ gồm tất cả các loại khói, bụi từ nhà máy, các đám cháy, sương mù,… chứ không chỉ riêng PM2.5. Sau đó, mô hình sẽ “trả về” dữ liệu của từng diện tích 9 km2 trên cả nước.

    Đi kèm với báo cáo này là một trang web minh họa dữ liệu. Sử dụng công cụ minh họa đơn giản có sẵn kết hợp với việc thiết kế, sắp xếp nội dung tương tác trên web để thể hiện nhiều lớp lang thông tin nhất trên mỗi đồ thị.
    Bản thân báo cáo đã là một nỗ lực để đưa những ngôn ngữ khoa học đến đại chúng. Nhưng trang web có thể là hấp dẫn hơn để người xem khám phá ra những góc nhìn mới từ dữ liệu trong báo cáo.

    Hiện trạng từng khu vực

    Nhìn vào bản đồ hiện trạng bụi PM2.5 toàn quốc tương tác, người xem có thể thấy ngay khu vực Đồng bằng Sông Hồng có nồng độ bụi PM2.5 lớn nhất cả nước. Họ cũng có thể khám phá dữ liệu chi tiết hơn khi rê chuột vào từng tỉnh thành hoặc bấm nút để so sánh giữa 2 năm 2019 và 2020.

    Vào 2 năm 2020 và 2019, không có tỉnh thành nào ở khu vực miền Trung có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 5:2013/BTNMT – là 25 µg/m3. Tuy nhiên, quy chuẩn này vẫn cao gấp 5 lần khuyến nghị của WHO năm 2021 – là 5 µg/m3. Không có tỉnh nào của Việt Nam đạt được khuyến nghị này. Theo dữ liệu mô hình, Kon Tum và Đắk Nông là 2 tỉnh có nồng độ PM2.5 nhỏ nhất của Việt Nam với nồng độ bụi trung bình năm 2020 là 11 µg/m3.

    Bản đồ phát thải PM2.5 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam - Ảnh 3
    Hà Nội và TP.HCM đứng đầu cả nước về lượng phát thải PM2.5. (Ảnh minh họa)

    Hà Nội là thành phố xếp thứ 4/63 tỉnh thành về nồng độ bụi PM2.5 và có lượng phát thải PM2.5 ở mức lớn nhất cả nước, khoảng 7-10 tấn PM2.5/m2/năm. Các tỉnh phía Đông Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng là những nơi phát thải lớn ở mức cao 5-6 tấn PM2.5/m2/năm. Riêng Hà Nam có 6 nhà máy xi măng và Hưng Yên có 3 nhà máy thép.

    Ở Hà Nội, dễ thấy là khu vực ngoại thành có nồng độ bụi thấp hơn nội thành. Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt như huyện Gia Lâm và Thường Tín là 2 khu vực ngoại thành có nồng độ PM2.5 vượt trên tất cả các quận nội thành khác, trừ Long Biên.

    Theo bản đồ phát thải, TP.HCM là nơi phát thải PM2.5 lớn nhất cả nước, cùng với Hà Nội. Tuy nhiên, theo dữ liệu mô hình, nồng độ PM2.5 trung bình năm ở thành phố này chỉ xếp thứ 11 cả nước và ở mức quy chuẩn toàn quốc. Bản thân TP.HCM có 1 nhà máy thép và 3 nhà máy xi măng. Tiếp giáp với thành phố này cũng là Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, 2 nơi có nhiều nhà máy công nghiệp nặng.

    Khác với Hà Nội, các quận/huyện/thành phố ở TP.HCM có nồng độ PM2.5 khá đồng đều, chỉ loanh quanh ở mức 25 µg/m3. Riêng chỉ có huyện Cần Giờ là thấp hẳn ở mức 21 µg/m3.

    Nguyễn Linh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Bản đồ phát thải PM2.5 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới