Thứ bảy, 23/11/2024 12:25 (GMT+7)
    Thứ ba, 15/02/2022 12:00 (GMT+7)

    Bài toán phát triển nhà ở tại Hà Nội còn nhiều thách thức

    Theo dõi KTMT trên

    Nguồn vốn ưu đãi chưa được bố trí, mất cân đối cung cầu nhà ở bình dân, ì ạch cải tạo chung cư cũ... được nhận định là thách thức cho bài toán nhà ở của TP.Hà Nội trong giai đoạn tới.

    Thách thức được đặt ra

    Kết thúc giai đoạn 2016-2020, diện tích nhà ở bình quân ở Hà Nội hiện đạt 27,25 m2/người; Tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn đạt 224,73 triệu m2, tăng 49,67 triệu m2 so với năm 2016, theo thông tin công bố từ Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết.

    Nếu tính theo các chỉ tiêu m2 sàn của từng loại nhà ở chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu m2 sàn, vượt hơn 1,14 triệu m2. Nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi với nhà ở xã hội (cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên), Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2 nhưng kết quả thực hiện là 1,25 triệu m2 sàn.

    Bài toán phát triển nhà ở tại Hà Nội còn nhiều thách thức - Ảnh 1
    Kết thúc giai đoạn 2016-2020, diện tích nhà ở bình quân ở Hà Nội hiện đạt 27,25 m2/người. (Ảnh minh họa)

    Thành phố đặt mục tiêu phát triển 1,2 triệu m2 sàn với nhà tái định cư, nhưng kết quả thực hiện chỉ 371.000 m2.

    Nguyên nhân là do chính sách phát triển nhà ở xã hội còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đơn cử, nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. Thực tế, so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án đã hoàn thành có vị trí xa trung tâm nên rất khó bán.

    Các chuyên gia nhận định về hiện trạng trên cho rằng chính sự phát triển không đồng đều, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn thấp, trong khi nhu cầu của đa số người dân là rất lớn, cộng với nguồn cung nhà ở giảm trong 2-3 năm gần đây đã đẩy giá nhà liên tục tăng.

    Bài toán phát triển nhà ở tại Hà Nội còn nhiều thách thức - Ảnh 2
    TSKH. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên KTS Trưởng TP.Hà Nội.

    Theo TSKH. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên KTS Trưởng TP.Hà Nội một vấn đề lớn cũng đang đặt ra trong bài toán nhà ở của Thủ đô hiện nay là sự ì ạch trong công tác cải tạo chung cư cũ.

    Việc sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới chỉ thực hiện được khoảng 1% khối lượng là rất đáng quan ngại và thực tiễn đang yêu cầu sớm có giải pháp đồng bộ với trọng tâm là về quy hoạch, TS Nghiêm cho hay.

    Cải tạo chung cư cũ hiện là một trong những thách thức lớn đặt ra trong chiến lược phát triển nhà ở của TP.Hà Nội giai đoạn tới.

    Giải pháp cần đồng bộ

    Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định 498/QĐ-UBND thành lập và phân công nhiệm vụ Tổ công tác liên ngành TP xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045 nhằm giải quyết vấn đề phát triển nhà ở trên địa bàn.

    Cùng với đó, tổ công tác liên ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện phân tích, đánh giá kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn theo Chương trình phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2012-2020, xác định các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phát triển nhà ở đối với từng loại hình phát triển nhà ở.

    TS Đào Ngọc Nghiêm nhận định về lời giải nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển nhà ở của TP.Hà Nội cho rằng, cần có giải pháp toàn diện với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân.

    Bên cạnh việc rà soát các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, cấp phép, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch... Hà Nội cần tập trung rà soát quỹ đất, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển nhà ở, TS Nghiêm nhận định.

    Đối với các dự án chậm triển khai cần sớm quyết liệt thu hồi; Đồng thời cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.

    Bài toán phát triển nhà ở tại Hà Nội còn nhiều thách thức - Ảnh 3
    Ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

    Ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội, dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành cho rằng, hiện nay Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã xác định vị trí, khu vực, diện tích đất phát triển nhà ở, nguồn vốn huy động; Đồng thời, làm cơ sở để kiểm soát thị trường bất động sản phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

    Kế hoạch của Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển 44 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhà ở xã hội 1,25 triệu m2, nhà ở tái định cư 560.000 m2, nhà ở thương mại 19,69 triệu m2 và nhà ở riêng lẻ 22,5 triệu m2.

    Hà Nội cũng xác định nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 29,5 m2 sàn/người; Tỷ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Bài toán phát triển nhà ở tại Hà Nội còn nhiều thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới