Thứ sáu, 19/04/2024 21:03 (GMT+7)
Thứ ba, 20/08/2019 14:28 (GMT+7)

Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Hệ thống quản lý rác thải thông minh dựa trên những tính năng của công nghệ IoT đang được triển khai tại một số nước trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng trong thời gian tới như: Hệ thống xử lý rác thải thực phẩm thông minh (SGS), Hệ thống quản lý chất thải thông minh (Smart Waste Management – SWM).

Với thực trạng phân loại rác thải còn nhiều hạn chế như hiện nay, Việt Nam cần tích cực học hỏi những kinh nghiệm từ các nước khác để nâng cao hiệu quả phân loại cũng như xử lý rác thải.

Phổ cập giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung chỉ có thể được giải quyết một cách ổn thoả khi có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng. Để làm được việc này, các nước đã trải qua quá trình kiên trì vận động, tuyên truyền và thậm chí cưỡng chế người dân tiến hành phân loại rác tại nguồn.

Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam? - Ảnh 1
Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường đến các bạn trẻ. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều nước đã đưa vào chương trình giáo dục phổ thông kiến thức môi trường và về thu gom, phân loại rác thải. Đặc biệt sử dụng phương pháp giáo dục trẻ em thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại các trường tiểu học. Bên cạnh chương trình bài giảng, các thầy cô giáo có rất nhiều tranh vẽ và giáo cụ trực quan về trẻ em tham gia thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt trên đường phố, tại gia đình. Khi các em lớn lên thì việc giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định, đúng thùng phân loại không chỉ trở thành ý thức mà còn là thói quen hàng ngày. Các chuyên gia nước ngoài đều khẳng định đây là một chương trình giáo dục tuyên truyền hiệu quả nhất, bền vững nhất và không thể thiếu được trong các trường học phổ thông.

Ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chính quyền sở tại đã tăng mức chế tài, xử phạt rất cao đối với những hành vi xả rác bừa bãi, không phân loại rác theo đúng quy định. Ngoài ra, để giảm gánh nặng chi phí cho người dân, chính quyền nơi đây cũng tiến hành trợ giá cho các công ty tham gia cung cấp dịch vụ thu gom, phân loại rác... Vì vậy, mặc dù có ý kiến người dân cho rằng mức phạt việc vi phạm quy định phân loại rác thải theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của TP Hồ Chí Minh hiện nay còn cao, nhưng theo kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, thành phố nên duy trì mức phạt này để người dân có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc phân loại rác thải tại nguồn khi mà trách nhiệm đó được gắn liền với lợi ích kinh tế của họ.

Theo kinh nghiệm của CHLB Đức, tất cả các Bang, các khu đô thị, dân cư đều có các cơ quan, công ty khuyến cáo tuyên truyền cho chương trình bảo vệ môi trường sống nói chung và đặc biệt là vấn đề thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng. Ví dụ, tại cơ quan tư vấn khuyến cáo cho “nền kinh tế rác thải” bang Tiroler có 5 cán bộ khuyến cáo, tuyên truyền. Họ xây dựng những tài liệu, tư liệu giảng bài cho cộng đồng bằng nhiều hình thức:

Sáng tạo ra những thùng phân tách rác với những màu sắc, ký hiệu rõ rệt, đẹp, hấp dẫn, dễ phân biệt: Các loại rác được tách ra theo các sơ đồ, hình ảnh dây chuyền rất dễ hiểu, dễ làm theo, từ phân loại rác thải giấy, thủy tinh, kim loại, chất dẻo nhân tạo, vải và đặc biệt là rác thải hữu cơ; hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo còn được thể hiện bằng các áp phích tuyên truyền phong phú, hấp dẫn.

Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam? - Ảnh 2
Các chuyên gia khẳng định, giáo dục trẻ em bảo vệ môi trường là một chương trình giáo dục tuyên truyền hiệu quả nhất, bền vững nhất và không thể thiếu được trong các trường học. Ảnh minh họa

Tài liệu tuyên truyền khuyến cáo người dân: Các áp phích, tờ rơi, thùng, túi đựng các loại rác thải được trình bày, trang trí tùy thuộc vào đối tượng được tuyên truyền khuyến cáo và nhất là phải sử dụng màu sắc và hình ảnh hấp dẫn, dễ hiểu.

Vật liệu để chứa đựng rác thải thu gom, phân loại: Các loại vật liệu này phải được các công ty sản xuất theo mẫu mã, màu sắc, in chữ đồng nhất ở mỗi quốc gia, vùng/địa phương. Ví dụ, thùng thu gom rác hữu cơ màu xanh thì túi đựng cũng màu xanh, chữ viết to, hình vẽ tượng trưng dễ nhận biết. Giá thành các bao túi phải phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Một số quốc gia còn phát miễn phí túi đựng rác thải hữu cơ sinh hoạt cho người dân để họ tích cực tham gia chương trình.

Hiện nay, ở một số nước phát triển, chất liệu túi đựng rác hữu cơ sinh hoạt đã được chế tạo đặc biệt, bằng giấy "xi măng" hoặc bằng nilon chế từ bột khoai tây. Như vậy, khi thu gom những túi rác thải hữu cơ sinh hoạt đem đến nơi ủ, người thu gom không phải bỏ lại túi nilon nữa mà các túi giấy, chất bột này sẽ cùng phân loại với rác.

Chúng ta cũng có thể học hỏi cách dùng lá chuối bọc thực phẩm của siêu thị Rimping tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan làm cho người mua thấy rất thân thiện. Thức ăn được bọc bằng lá chuối trông cũng sạch sẽ và tươi ngon hơn hẳn. Gần đây, một số cửa hàng, siêu thị ở Việt Nam cũng đã nói không với túi nilon đã sử dụng lá chuối và dây gai để bọc rau củ quả.

Từng bước đa dạng hóa và xã hội hóa đầu tư cho các lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải

Xã hội hóa việc đầu tư bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải đô thị hiện đang được nhiều nước như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Bỉ… đang từng bước được thực hiện. Bên cạnh việc phân loại chất thải từ các hộ gia đình, hoạt động thu gom phế liệu đang diễn ra tự phát, nhỏ lẻ ở Việt Nam cũng là một hình thức xã hội hóa của công tác này. Vận dụng kinh nghiệm của thế giới trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh tổ chức mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn ở nước ta.

Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam? - Ảnh 3
Gần đây, một số cửa hàng, siêu thị ở Việt Nam cũng đã nói không với túi nilon đã sử dụng lá chuối và dây gai để bọc rau củ quả. Ảnh: GreenHub

Tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng để vừa bảo tồn được các nguồn lực, vừa có thể tái sử dụng, tái chế ở cuối vòng đời sản phẩm nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải độc hại ra môi trường, đồng thời giảm thiểu được chi phí cho công tác xử lý và phân loại rác thải sinh hoạt

Vào cuối năm 2018, Hàn Quốc đã phát minh ra ống hút làm từ bột gạo khi nước này công bố kế hoạch cấm hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần. Gần đây, tại Việt Nam, các loại ống hút làm từ bột (bột gạo, bột mì, bột năng) thay thế cho ống hút nhựa cũng đã xuất hiện trên thị trường và được người dân ủng hộ. Ống hút bằng gạo tận dụng được lợi thế của Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới và góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại từ nhựa.

Ngoài tác dụng thay thế cho ống hút nhựa, ống hút gạo còn có thể biến thành các món ăn hàng ngày, phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất còn sáng tạo một số cách chế biến những món ăn khác nhau, để tận dụng tối đa, không gây lãng phí, như: Vừa hút nước, vừa ăn ngay tại chỗ; Nướng ống hút trong lò vi sóng, ống hút sẽ biến thành phồng tôm phiên bản que; Chiên với dầu ăn thành bim bim que cho bé ăn tại nhà, an toàn cho sức khỏe; Chế biến thành các món xào, luộc… Khi dùng thừa hoặc bị hết hạn sử dụng, ống hút ăn liền có thể dùng làm phân hữu cơ để bón cho cây cảnh.

Nghiên cứu và tăng cường ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý rác thải thông minh. Phương pháp này góp phần để hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được kết nối đồng bộ, nhờ đó mà công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt mới thật sự đạt hiệu quả.

IoT là một khái niệm mà trong đó các đối tượng xung quanh được kết nối với nhau thông qua mạng có dây, không dây và không cần sự can thiệp của con người. Dịch vụ thông minh, tiên tiến dựa trên nền tảng IoT được cung cấp cho người dùng thông qua kết nối và trao đổi thông tin giữa các đối tượng với nhau. Những tiến bộ gần đây trong việc tích hợp nhiều bộ cảm biến, mô-đun giao tiếp cùng với các công nghệ mạng như 3G, Wi-Fi và LTE vào các thiết bị di động đã đưa ứng dụng IoT càng ngày càng gần gũi với đời sống của con người. Công nghệ IoT hiện tại có thể thực hiện các công việc như: cảm nhận, khởi động, thu thập dữ liệu, lưu trữ và xử lý thông qua kết nối Internet giữa các thiết bị vật lý hoặc thiết bị ảo.

Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam? - Ảnh 4
Hệ thống quản lý chất thải thông minh (Smart Waste Management - SWM)

Trong lĩnh vực môi trường, vấn nạn xả thải bừa bãi không qua xử lý của các nhà máy, khu công nghiệp hoặc thói quen vứt bỏ chất thải bừa bãi của cộng đồng dân cư ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng không có hệ thống giám sát, thu gom và quản lý chất thải hoặc có nhưng hệ thống này đã lỗi thời, làm việc không hiệu quả đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, làm tăng gánh nặng chi phí cho vấn đề xử lý chất thải. Với những tính năng của IoT nêu trên, nhiều ứng dụng của IoT để quản lý chất thải đã được thử nghiệm và đưa vào sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Nghiên cứu các tài liệu cho thấy, một số hệ thống quản lý rác thải thông minh dựa trên những tính năng của công nghệ IoT đang được triển khai tại một số nước trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng trong thời gian tới như: Hệ thống xử lý rác thải thực phẩm thông minh (SGS), Hệ thống quản lý chất thải thông minh (Smart Waste Management – SWM).

Mô hình Hệ thống rác thải thông minh SGS được thể hiện như sau:

Các SGB được lắp đặt gần các tòa nhà và các khu dân cư, có chức năng trao đổi thông tin với nhau và gửi thông tin tới máy chủ thông qua mạng không dây. Trên thực tế, hệ thống rác thông minh này chỉ phù hợp với những nơi có qui mô dân số nhỏ, vừa phải. Hiện nay, hệ thống này đã được triển khai tại huyện Gangnam thuộc Seoul Hàn Quốc và đang trong quá trình triển khai ra nhiều địa phương phù hợp khác.

Hệ thống quản lý rác thải thông minh (Smart Waste Management –SWM) với quy trình khép kín (Xả rác - Phân loại từ nguồn - Thu gom - Tái chế/Tiêu hủy) hoàn chỉnh dựa trên công nghệ IoT có quy mô lớn dành cho một thành phố thông minh, đông đúc dân cư sẽ được mở rộng nhiều thành phần, đối tượng có liên quan khác nhau. Đây là một dịch vụ trong lĩnh vực môi trường thông minh của thành phố hiện đại đang được ứng dụng tại một số thành phố của Ấn Độ.

Có thể nói, đây là một hệ thống có ưu điểm tạo ra một quy trình khép kín, tự động hóa ở mức cao trong quá trình thu gom rác thải từ người dân cho đến lúc tái chế hoặc tiêu hủy. Thông qua thu thập, phân tích xử lý dữ liệu từ các cảm biến thời gian thực, những dữ liệu này khi đưa vào một bối cảnh không gian số, được xử lý bởi các thuật toán thông minh và tối ưu hóa sẽ tạo ra quy trình quản lý chất thải thông minh, làm trong sạch môi trường, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Với điều kiện hạ tầng cơ sở của Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng các hệ thống quản lý rác thải thông minh trên trước mắt nên thực hiện thí điểm ở các khu đô thị, khu chung cư cao cấp và sau đó nếu thành công chúng ta có thể nhân rộng tại một số thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,...

Đặng Hương Giang

Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới