Bắc Ninh: Nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
Với sự nhất trí cao từ lãnh đạo đến nhân viên y tế và sự đồng thuận của người dân, vấn đề hạn chế rác thải nhựa trong các cơ sở y tế của Bắc Ninh đã đạt được những kết quả đáng mừng.
“Tuyên chiến” với rác thải nhựa
Nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và giá thành hợp lý, được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có ngành y tế. Cùng với đó, vấn đề rác thải nhựa y tế gây hại đến môi trường cũng là một vấn đề khá bức thiết.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân thường đi kèm theo 1 - 2 người nhà, cho nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn.
Hưởng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và để chung tay cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng toàn xã hội chống ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế tiến hành ngay các hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu chất thải nhựa. Bộ trưởng đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện.
Ngay khi Bộ Y tế ban hành chỉ thị số 08, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Ninh đã kịp thời có những chỉ đạo cán bộ nhân viên và hệ thống các cơ sở y tế thực hiện một số giải pháp và bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng. Thông tin với PV, ông Nguyễn Chí Hành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho 100% các cơ sở y tế trong tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Quân Y 110… cũng như các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã thuộc tỉnh Bắc Ninh về chủ trương này. 100% các cơ sở y tế cũng đã ký cam kết thực hiện đúng chỉ thị”.
Cũng theo ông Hành, sẵn sàng tinh thần “tuyên chiến” với rác thải nhựa, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, đưa tinh thần bảo vệ môi trường vào mỗi hoạt động của ngành như: Tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu; Hướng dẫn cụ thể tới từng người dân khám chữa bệnh; Phân loại rác tại nguồn… Nói “không” với rác thải nhựa đi sâu vào hoạt động của ngành, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường tại địa phương.
Những sáng kiến tích cực
Chia sẻ thêm về những biện pháp thực hiện, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, để góp phần thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu rác thải nhựa, ngành y tế và Sở Y tế Bắc Ninh đã tích cực triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động đồng bộ. Trong các buổi họp của ngành, những chai nước bằng nhựa được thay thế bằng cốc thủy tinh, lấy nước từ bình lớn. Cán bộ nhân viên nhất trí cao, không còn sử dụng các vật dụng bằng nhựa dùng một lần như hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, túi đựng hồ sơ bằng nhựa,…
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, công tác thực hiện Chỉ thị 08 diễn ra nghiêm túc. Rác thải y tế được phân loại ngay tại nguồn. Phối hợp với các đơn vị được phép thu gom vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại. Nhờ vậy, bệnh viện có phương án xử lý rác thải nhựa một cách minh bạch và hợp lý nhất.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh cho hay, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo xuống từng khoa yêu cầu các Trưởng khoa ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa. Cùng với đó là những sáng kiến như tổ chức Hội thi “Sáng tạo các sản phẩm từ chất thải nhựa tái chế” và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình từ các cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Ở tuyến huyện như Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong các biện pháp về hạn chế rác thải nhựa được triển khai đồng bộ.
Đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ khẳng định, ngay khi có chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh về việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 08 của Bộ Y tế, Ban Giám đốc đã chỉ đạo đến các Trưởng khoa yêu cầu các cán bộ nhân viên trong khoa thực hiện nghiêm, đầy đủ theo đúng chỉ thị. Rác thải tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ cũng được phân loại ngay tại nguồn, rác thải tái chế cũng như rác thải y tế nguy hại được xử lý theo đúng quy trình. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trung tâm y tế đều được tuyên truyền vận động về sự nguy hại của rác thải nhựa nhất là các đồ dùng nhựa sử dụng một lần.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong chia sẻ, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong giảm thiểu đến mức thấp nhất việc mua, trang bị các vật dụng bằng nhựa như không dùng lại các túi đựng, kẹp hồ sơ bằng nhựa, không sử dụng túi nilon… Đơn vị cũng quán triệt cán bộ nhân viên không sử dụng vật dụng bằng nhựa dùng một lần, phân loại rác thải, vận động người dân mang theo túi vải từ nhà đi để nhận thuốc hoặc phát thuốc cho người dân bằng túi giấy thay thế túi nilon.
Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, ngoài việc rác thải y tế được phân loại tại nguồn thì những băng-rôn, khẩu hiệu cũng được treo nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao ý thức đến người dân trong công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong trung tâm y tế.
Ông Nguyễn Văn Đưởng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Du cho biết, các Khoa – Phòng tại trung tâm đều cam kết giảm thiểu chất thải nhựa. Các chương trình tuyên truyền nhằm kêu gọi các cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà giảm tối đa sử dụng các đồ nhựa dùng một lần, túi nilon được thực hiện thường xuyên, với nhiều khẩu hiệu mạnh để sớm trở thành thói quen hàng ngày.
Bên cạnh các mặt tích cực đạt được, thì còn tồn tại tình trạng một bộ phận người dân chưa nâng cao nhận thức và thay đổi hành động trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Túi nilon, vật dụng bằng nhựa vẫn được ưu ái nhờ tính tiện dụng, giá thành rẻ. Việc chuyển đổi thuốc – dung dịch – bình truyền, dây truyền – can đựng hóa chất… có bao bì bằng nhựa sang thủy tinh cũng đối mặt với thách thức về giá thành cũng như phương án tái chế thích hợp.
Trong tương lai gần, các mặt hạn chế này sẽ từng bước được ngành y tế tập trung cải thiện để hướng tới môi trường Y tế xanh – sạch – đẹp, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm thải rác thải nhựa nói chung.
Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Chính vì vậy, mỗi người trong cộng đồng cần chung tay hành động để giảm thiểu chất thải và rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Bắc Ninh thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Y tế
Ngày 28/08/2019, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 1361/SYT-NVY gửi tới các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong văn bản nêu rõ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ Y tế.
Các hoạt động chính góp phần giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường của ngành Y tỉnh Bắc Ninh:
-Trang bị hệ thống thùng đựng chất thải tái chế để phân loại rác;
-Đầu tư sử dụng các túi đựng chất thải y tế bằng chất liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường;
-Áp dụng các biện pháp xử lý chất thải lây nhiễm thân thiện với môi trường theo các quy định của pháp luật và sự hướng dẫn, giám sát của các cơ quan chức năng;
- Ký cam kết với Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện triệt để nội dung chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế;
- Thay thế tối đa các vật dụng bằng nhựa, đồ dùng một lần như chai/cốc/ống hút nhựa, hộp xốp dùng một lần… bằng các vật dụng sử dụng nhiều lần như cốc thuỷ tinh, bình inox…
-Tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn, truyền thông, vận động nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
- Vận động và lựa chọn đối tác, các đơn vị cung cấp vật tư tiêu hao có sản phẩm sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Long Giang - Lê Bảo