Bắc Kạn: Người dân “kêu trời” vì nước thải từ nhà máy quặng
Từ vài năm nay, các hồ chứa chất thải của khu liên hợp các nhà máy tuyển quặng – Công ty khoáng sản Bắc Kạn đều đã đầy ứ, chất thải chực chờ tràn ra ruộng, vườn, nhà dân.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn năm 2014, khu liên hợp chế biến khoáng sản nằm trên địa bàn xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn gồm các nhà máy: nhà máy tuyển khoáng Bằng Lũng, nhà máy bột kẽm oxit, nhà máy luyện chì, nhà máy xử lý chất thải rắn trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Do các nhà máy nằm ở trên cao nên giải pháp thải của các nhà máy này là tự chảy. Bãi thải là thung lũng rộng 30.000m3, có 7 đập chắn để tạo thành 7 hồ chứa chất thải. Nước sau khi lắng ở các hồ sẽ chảy theo khe suối xuống hạ lưu. Đến năm 2014, hồ chứa thải số 1 đã đầy và đã bị đóng cửa đển tận thu quặng đuôi. Tổng lượng thải của nhà máy luyện chì và nhà máy tuyển khoáng là 24.000m3/năm.
Theo phản ánh của nhiều ngừoi dân sống trong khu vực xung quanh khu liên hiệp chế biến khoáng sản, nước thải từ nhà máy thường xuyên chảy tràn xuống ruộng, vườn, nhà dân gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống sinh hoạt.
Chị Quách Thị Hoàn, người dân thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn rất bức xúc cho hay: “Nước thải đen sì cứ chảy thẳng xuống ao hồ, cá cũng chẳng sống được. Không chỉ khu hồ thải nhà máy tuyển quặng mà khu vực bãi thải mỏ Nà Bốp – Pù Xáp cũng gây ô nhiễm nặng. Cứ mỗi khi trời mưa, nước thải lại ào ào chảy xuống nhuộm đen hết ruộng vườn. Nước thải màu đen mang theo mùi hôi thối sặc sụa bốc lên rất khó chịu. Nhiều lần họp, nhưng không có đại diện công ty Khoáng sản Bắc Kạn để dân có ý kiến. Bà con trong xã rất bức xúc”
Nước thải không chỉ ảnh hưởng đến ruộng vườn, cây cối mà ngay cả mạch nước ngầm cũng chịu chung số phận. Ông Hoàng Văn Li, người dân thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng nói trong tiếng thở dài: “Trước đây khu vực các hồ chứa chất thải ở khu liên hợp tuyển quặng này có 7, 8 đập chắn. Đến năm 2017 nước lũ lớn, chẳng hiểu vì sao lãnh đạo công ty chỉ đạo cho xả cái đập lớn nhất ở trên cao phá hết các đập bên dưới. Tất cả các đập dưới bây giờ là trống không, cứ mưa là nước thải lại dồn về phía bên dưới nhà dân. Nước sinh hoạt bây giờ cũng bị ô nhiễm hết, người dân phải lấy nước ở trên khe suối về. Trước đây người dân trong xã có nghề nuôi trâu nhưng giờ nước ô nhiễm trâu thường đẻ non không nuôi được nên giờ bà con chẳng biết làm gì để sống”.
Thực tế cho thấy, tại khu vực hồ chứa chất thải quặng của khu liên hợp các nhà máy tuyển quặng Công ty khoáng sản Bắc Kạn (huyện chợ Đồn) có 2 hồ chứa chất thải màu đen đã đầy.
Tại thời điểm PV có mặt tại khu vực này, một máy xúc đang đào xung quanh hồ phía trên để nước thải chảy xuống hồ thứ 2 ở phía bên dưới. Chất thải màu đen có dấu hiệu đang tràn từ hồ thứ 2 xuống phía hồ thứ 3. Hồ thứ 3 được ngăn bằng một con đập đất nhỏ, thấp. Do các con đập đất được đắp rất thấp nên nếu khi trời có mưa lớn, nước mưa sẽ mang theo chất thải tuyển quặng tràn xuống phía dưới là điều khó có thể tránh khỏi.
Mặc dù cuộc sống của ngừoi dân trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước thải từ nhà máy, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn lại cho rằng đã có các biện pháp xử lý khi có trời mưa lớn, nước thải chảy xuống sông, suối đã rất trong và an toàn nằm trong ngưỡng cho phép.
Vậy không hiểu nước ở đâu tràn xuống mà làm đen đặc ruộng vườn của dân, nước ở đâu mà trâu uống nước đấy phải sinh non khiến dân không dám nuôi trâu, cớ vì sao mà dân phải đi lên suối lấy nước, không dám dùng nước ngầm. Cái “an toàn” như lãnh đạo Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn nằm ở đâu ???
Trần Giang(t/h)