Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu
Tình huống giả định là tàu dầu có trọng tải 3.000 tấn cập cảng Kho xăng dầu Cái Mép Do sơ xuất của lái tàu nên tàu đã bị đâm va vào cầu cảng dẫn đến thủng khoang chứa gây ra sự cố tràn dầu.
Lực lượng chức năng diễn tập vây phao chuyên dụng để chống dầu tràn ra môi trường. (Ảnh: TTXVN/phát) |
Ngày 12/6, tại Tổng kho Xăng dầu Cái Mép (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh), thuộc Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS) đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức buổi diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cầu cảng Tổng kho Xăng dầu Cái Mép.
Hiện nay, việc chấp hành tốt các quy định về phòng chống cháy nổ và ứng phó sự cố tràn dầu là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chính vì vậy buổi diễn tập nhằm duy trì hoạt động phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng nhằm ứng phó tình huống khẩn nguy, nâng cao kỹ năng tác chiến, phát huy tính chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực cảng.
Tình huống giả định vào ngày 12/6, tàu dầu có trọng tải 3.000 tấn cập cảng xuất nhập xăng dầu của Kho xăng dầu Cái Mép. Do sơ xuất của lái tàu nên tàu đã bị đâm va vào cầu cảng dẫn đến thủng khoang chứa gây ra sự cố tràn dầu. Lượng dầu tràn ước tính 10m3.
Khi sự cố xảy ra, thuyền viên của tàu dầu và vận hành viên tại cảng kích hoạt loa báo động, thuyền trưởng tàu yêu cầu các thuyền viên khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khoang chứa, kích hoạt hệ thống chữa cháy trên tàu và sẵn sàng cho việc sơ tán khẩn cấp.
Cùng lúc đó, thuyền trưởng tàu dầu thông báo sự cố tràn dầu tại cảng đến đội ứng phó sự cố tràn dầu, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, đội Ứng phó sự cố Môi trường thuộc Trung tâm SOS, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Cái Mép.
Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng cùng Trung tâm SOS huy động phương tiện, nhân lực, trang thiết bị tới hiện trường để triển khai ứng cứu khẩn cấp sự cố tràn dầu.
Đồng thời, Trung tâm SOS thông báo sự cố tràn dầu đến các cơ quan chức năng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu...
Các thành viên Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam kiểm tra lượng dầu tràn được hút vào phao chứa. (Ảnh: TTXVN/phát) |
Khi lực lượng chức năng tới hiện trường, Đội SOS triển khai quây phao đón dòng thủy triều không cho dầu loang rộng; sử dụng bơm hút dầu tràn ở điểm trũng của phao và tiến hành hút dầu vào bồn chứa dầu nổi; cuối cùng sử dụng tấm thấm dầu, vợt vớt rác và túi đựng rác thải nguy hại để thu gom dầu tràn còn sót lại tại hiện trường.
Trên luồng hàng hải Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Cái Mép, Trạm Cảnh sát đường thủy Phú Mỹ di chuyển xung quanh hiện trường, phát loa để cảnh báo các phương tiện xung quanh về sự cố tràn dầu và bảo vệ hiện trường.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam cho biết, theo số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn, trong năm vừa qua cả nước xảy ra gần 200 sự cố tràn dầu cả trên mặt nước và trên đất liền nhưng hầu hết được xử lý kịp thời. Sự cố tràn dầu có thể xảy ra ở nhiều khâu như khai thác, vận chuyển, bơm truyền, sang chiết...
Sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng hết sức lớn đến hệ sinh thái, có thể làm cả một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hàng chục năm. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường ra thì sự cố tràn dầu còn ảnh hương trực tiếp đến sức khỏe của con người, bởi vì khi tôm cá chết chúng ta có thể nhìn thấy được, tuy nhiên khi sự cố tràn dầu hủy hoại hàng tỉ vi sinh vật, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái của môi trường.
Đặc biệt, những loài cá không chết không có nghĩa là chúng ta ăn vào không có độc vì khi sinh vật sống ở trong môi trường nước sẽ nhận được một lượng chất thải vào cơ thể, chất thải tích tụ vào thịt, xương và đích đến cuối cùng là con người.
Theo ông Phạm Văn Sơn, để ứng phó với sự cố môi trường nói chung và sự cố tràn dầu nói riêng, phải đảm bảo phương châm 4 tại chỗ đó là: trang thiết bị tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Sau buổi diễn tập, các bên tham gia diễn tập đã chủ trì tổ chức họp tổng kết đánh giá tình hình triển khai, rút kinh nghiệm, bổ sung các yếu tố cần thiết để phương án ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu được hoàn thiện.
Các đại biểu đánh giá cao về tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, sự thành thạo của lực lượng tại chỗ trong triển khai ứng cứu sự cố tràn dầu của Tổng kho Xăng dầu Cái Mép.
Các bài học kinh nghiệm được rút ra là: phải lường trước được mọi yếu tố thời tiết (thay đổi về lưu lượng, dòng chảy của thủy triều); bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia diễn tập, đặc biệt là lực lượng thả phao quay dầu; phải đảm bảo thông tin thông suốt, tín hiệu ở mức cao để phối hợp phương án tìm kiếm cứu nạn khi tình huống thuyền viên mất tích; tổ chức thu gom toàn bộ số dầu tràn ra biển một cách nhanh chóng và an toàn...
Đồng thời, lực lượng cán bộ, công nhân viên tại Tổng kho Xăng dầu Cái Mép luôn nâng cao trách nhiệm của mình, sẵn sàng chủ động trước các tình huống xảy ra.
Huỳnh Sơn