Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngổn ngang ở các điểm khai thác khoáng sản tại Phú Mỹ?
TX. Phú Mỹ là nơi tập trung một lượng lớn tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuy nhiên, công tác cấp phép khai thác, quản lý, bảo vệ khoáng sản của ngành chức năng lại đang bộc lộ những vấn đề.
Công tác quản lý còn tồn tại nhiều hạn chế và sai phạm
Theo Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ban hành ngày 14/02/2023, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và sai phạm của các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Và những sai phạm này thuộc trách nhiệm của các Sở Xây dựng, Công thương, Kế hoạch & Đầu tư; UBND TX. Phú Mỹ và các huyện Côn Đảo, Xuyên Mộc, Long Điền, TX. Phú Mỹ...và Cục Thuế tỉnh.
Dù Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ rõ những sai phạm và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan theo chức năng nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý, tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót, hạn chế, sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, đến thời điểm hiện tại một số mỏ khoáng sản tại TX. Phú Mỹ mà ngành thanh tra xác định có sai phạm vẫn đang tiếp tục hoạt động. Cùng với đó, công tác quản lý khai thác, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, hoàn nguyên khoáng sản,... vẫn là dấu hỏi khiến nhiều người dân lo lắng.
Điển hình, quanh khu vực núi Thị Vải (TX. Phú Mỹ) hiện nay tồn tại hàng loạt những điểm mỏ khai thác đá với quy mô hàng trăm ngàn m2. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Phóng viên hầu hết những hoạt động khai thác này phát sinh nhiều vấn đề.
Tại các điểm mỏ của Công ty CP Phú Đức Chính (mỏ đá lô 14A, xã Tóc Tiên với diện tích gần 35 ha với trữ lượng được phê duyệt lên đến hơn 9 triệu m3); Công ty TNHH Thuận Lập (mỏ đá lô 14, với diện tích 50ha và trữ lượng lên tới 17 triệu m3); Công ty TNHH Bình Phương (mỏ đá lô 13 với diện tích gần 30ha và hơn 4 triệu m3), đều có điểm chung là không phù hợp với quy hoạch xây dựng (đã được Thanh tra tỉnh công bố tại kết luận thanh tra).
Cũng theo ghi nhận của Phóng viên, vào tháng 10/2023, tại khu vực núi Tóc Tiên (phía sau Nhà máy phân bón Ong Biển - xã Tóc Tiên) hàng chục héc ta cát, đá đã bị đào bới tan hoang, tận thu và không hề có dấu hiệu việc bảo vệ môi trường, hoàn nguyên sau khai thác. Nhiều thiết bị sau khi “ăn đủ” cát đã bị bỏ lại ngay tại khu vực này.
Còn tại khu vực núi ông Trịnh, hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác tại mỏ đá gồm Công ty CP Phước Hòa Fico, Công ty CP Thanh Tâm và Công ty TNHH Xây dựng Triều Phát. Tại khu vực này tình trạng khai thác đá gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.
Liên quan đến vấn đề khai thác cát, đá và đổ chất thải chân núi Tóc Tiên, chiều ngày 25/10, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ để tìm hiểu thông tin, cũng như cung cấp những hình ảnh đã ghi nhận thực tế vấn đề này nhưng lại không nhận được hồi đáp của Chủ tịch TX. Phú Mỹ.
Sở TNMT nói gì?
Thông tin với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về việc trước hiện trạng khu vực núi Tóc Tiên (phía sau Nhà máy phân bón Ong Biển - xã Tóc Tiên) có hàng chục héc ta cát, đá đã bị đào bới, tận thu và không hề có dấu hiệu việc bảo vệ môi trường, hoàn nguyên sau khai thác, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau khi nhận được thông tin từ phía Phóng viên, Sở đã chỉ đạo cho các phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra. Bước đầu xác định đây là khu vực mỏ khai thác đá của Công ty Thiện Tân, công ty hoạt động khai thác theo giấy phép của UBND tỉnh cấp. Còn cụ thể về dấu hiệu tập kết, chôn lấp rác thải, khai thác cát trái phép thì Sở đã giao phòng khoáng sản, khi có báo cáo chính thức thì sẽ có thông tin phản hồi cho Phóng viên.
Đối với thông tin thực hiện Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh sẽ báo cáo Giám đốc Sở. Tuy nhiên, vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa có thông tin phản hồi với Phóng viên.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra ở nhiều nơi, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: “Tình trạng khai thác khoáng sản được phép, trái phép, không đúng quy hoạch đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương có thể có sự câu móc, hoặc du di với nhau nên xảy ra nhiều trường hợp khai thác khoáng sản bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định, khai thác kéo dài dẫn đến kiệt quệ tài nguyên.
Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan chức năng vẫn còn khiến người dân phàn nàn, cảm thấy có vấn đề gì đó hay là sự móc nối của chính quyền, của bộ ngành hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau trong khai thác khoáng sản để mang lại lợi nhuận riêng tư gây thất thoát nguồn tài nguyên quý giá. Đồng thời làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, môi trường, biến đổi khí hậu của đất nước.
Thời gian qua, chúng ta có thực hiện quản lý, có xử lý vi phạm nhưng theo tôi đánh giá thì mức độ xử lý cũng chưa nghiêm. Có những địa phương xử lý nghiêm, những cũng có những địa phương xử lý chưa nghiêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với những doanh nghiệp, cá nhân sai phạm cần phải xử lý thật nghiêm minh, trước tiên xử lý bằng biện pháp hành chính.
Đối với những doanh nghiệp, cá nhân làm chưa đúng nhưng có quyết tâm khắc phục sửa sai thì phạt hành chính để sửa sai và làm lại cho tốt. Đối với những cá nhân, doanh nghiệp ngoan cố, chai lì không chịu sửa sai thì theo tôi cần xử lý bằng biện pháp hình sự.
“Cốt lõi là những hành vi sai phạm có sự móc nối, bao che từ chính quyền, ngành chức năng chuyên môn hay không? Thiết nghĩ nếu không có sự bao che mà vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chuyên môn thì đố doanh nghiệp nào dám làm ăn phi pháp. Không có sự chống lưng, bao che thì tôi nghĩ chắc chắn 100% doanh nghiệp không dám làm sai, làm trái quy định của nhà nước. Chỉ có trường hợp bao che, ầu ơ ví dầu, du di rồi có sự can thiệp của một thế lực nào đó thì doanh nghiệp, cá nhân mới dám làm những việc phi pháp” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh!
Liên quan đến vấn đề khai thác, quản lý khoáng sản trên địa bàn TX. Phú Mỹ, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ thông tin trong bài sau!
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, Luật sư Phan Văn Tú – Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, Điều 81 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp cụ thể:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền; Lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định của Chính phủ; Công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép; Cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền; Giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
“Luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước, nếu trong trường hợp địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động khoáng sản thì cần phải nhanh chóng báo cáo cấp trên và phối hợp tiến hành, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, khi các vụ vi phạm xảy ra, ngoài việc xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trực tiếp vi phạm thì cũng cần phải xem xét, kiểm điểm, xử lý cán bộ, người đứng đầu. Có như vậy thì mới mong kéo giảm và hướng đến xóa bỏ vấn nạn khai thác khoáng sản trái quy định” – Luật sư Tú nhấn mạnh.
Thanh Tùng - Phạm Thạnh - Song Anh