Bà Rịa – Vũng Tàu: Nghiên cứu xử lý hình sự trường hợp ‘đội lốt’ cải tạo đất tận thu khoáng sản
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các đơn vị siết chặt việc san lấp mặt bằng và có thể xử lý hình sự đối với các trường hợp đã hết thời gian thu hồi khoáng sản trong quá trình đào ao, san hạ cải tạo mằt bằng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, đối với các trường hợp đã hết thời gian thu hồi khoáng sản trong quá trình đào ao, san hạ cải tạo mằt bằng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao UBND các huyện, thị xã, thành phố: Lập kế hoạch, tiến hành kiểm tra sự phù hợp giữa diện tích và cao độ san hạ thực tế so với nội dung được UBND tỉnh cho phép; Các trường hợp san hạ vượt diện tích, vượt độ cao tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo Điều 227 Bộ Luật hình sự.
Đôn đốc, hướng dẫn (hoặc đề nghị Sở NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn) các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phương án san hạ cải tạo đất nông nghiệp đã được Sở NN&PTNT có ý kiến nhằm đưa mặt bằng sau san hạ vào sử dụng đúng mục đích đề ra.
Rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, cá nhân, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng quy định.
Đối với các trường hợp đang thực hiện phải tiến hành kiểm tra, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc cắm mốc khu vực san hạ đầy đủ, thuận tiện cho việc xác định ranh giới ngoài thực địa (yêu cầu thực hiện cắm mốc theo đúng quy chuẩn mốc ranh giới địa chính cấp xã); Dựng mốc cố định để xác định cao độ được phép san hạ rõ ràng, thuận tiện quan sát (có thể hướng dẫn người dân liên hệ với các đơn vị đo đạc có chức năng hoặc liên hệ với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm Kỹ thuật TN&MT để cắm mốc, xác định ranh giới và cao độ).
Các trường hợp chậm thực hiện cần yêu cầu dừng hoạt động san hạ, thu hồi khoáng sản cho đến khi thực hiện xong việc cắm mốc để xác định ranh giới và cao độ được phép san hạ.
Rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ gia đình, cá nhân để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp mất mốc, san hạ vượt diện tích, cao độ cho phép để có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các phòng ban chức năng liên quan phối hợp với các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện rà soát các trường hợp đang còn thời hạn san hạ, cải tạo mặt bằng, thu hồi khoáng sản trên địa bàn.
Trong trường hợp phát hiện chủ sử dụng đất đã chuyển nhượng hoặc có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất san hạ, cải tạo mặt bằng, có văn bản thông báo Sở TN&MT để báo cáo UBND tỉnh xem xét, thu hồi văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình san hạ, cải tạo mặt bằng.
Thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân về việc không thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian san hạ, cải tạo mặt bằng, thu hồi khoáng sản. Trường hợp thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ bị UBND tỉnh thu hồi văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình san hạ, cải tạo mặt bằng.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao Sở NN&PTNT chủ động tăng cường kiểm tra việc thực hiện phương án đào ao, san hạ cải tạo mặt bằng phục vụ sản xuất nông nghiệp, kịp thời hướng dẫn các hộ gia đình cá nhân thực hiện phương án, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm (nếu có).
Điều 227, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:
1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a)Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên;
b)Khoáng sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300 - 500 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 - 300 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500 - 700 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1,5 - 3 tỉ đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 - 7 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên thì mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Thanh Tùng