Thứ tư, 08/05/2024 20:06 (GMT+7)
Thứ ba, 18/05/2021 17:00 (GMT+7)

Áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều Thanh Hà

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 18/5, Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 được tổ chức tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Theo đó, vài thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh này sẽ được giao dịch trên sàn thương mại Lazada và Sen Đỏ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với chức trách, vai trò của mình, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm.

Chính vì vậy, Bộ đã thực hiện nhiều chương trình, phối hợp cùng các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.

Áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều Thanh Hà - Ảnh 1
Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiểu Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 diễn ra vào sáng 18/5 tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. 

Bộ Công Thương cũng rất chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mai, kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… , hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế. 

Liên quan đến địa bàn tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc…

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; Giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà  và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan…, vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021.

“Tôi rất vui mừng được biết năm nay tỉnh Hải Dương tiếp tục chào đón một vụ mùa vải thiều và nhiều nông sản khác với chất lượng cao nhờ chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, điều chỉnh thời vụ, xuất khẩu dạng tươi đến các thị trường nước ngoài. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Hải Dương”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đồng thời, Bộ Công Thương ghi nhận những nỗ lực của UBND các tỉnh, địa phương trồng vải trọng điểm trong đó có Hải Dương. Lãnh đạo Bộ tin tưởng với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân Hải Dương, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục có một mùa vải và nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu thắng lợi, hiệu quả.

“Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng tỉnh Hải Dương trong việc tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều của cả nước vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với sản lượng trên 200.000 tấn, chất lượng được nâng cao nhờ áp dụng mô hình canh tác theo tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá ổn định đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn (chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng cả nước), trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn (khoảng 50% sản lượng của tỉnh).

Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E v.v... Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều Thanh Hà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.