Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô
Với thực trạng chất lượng không khí thường ở ngưỡng xấu, việc áp dụng vùng phát thải thấp (LEZ) được kỳ vọng mang tới đột phá cho môi trường của Thủ đô Hà Nội.
Lựa chọn từ thực tế
Số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có tới hơn 8 triệu phương tiện giao thông với khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Cùng với đó có trên 1 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô. Đây được đánh giá là một trong những nguồn phác thải lớn gây ô nhiễm môi trường. Riêng lượng xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường cũng rất lớn.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Chi cục BVMT Hà Nội, có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí khác. Cụ thể, toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng được công nhận làng nghề. Ngoài ra, do quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương chưa có điểm trung chuyển, phải sử dụng điểm tập kết rác thải ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Một số huyện gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến. Việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông (nhất là xe máy) cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… chưa được giải quyết triệt để.
Các chuyên gia đã nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.
Đáng chú ý hiện các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Quá trình phương tiện sử dụng loại nhiên liệu này hoạt động đã tạo nên nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần được kiểm soát có hiệu quả.
Tại hội nghị thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội tổ chức hồi tháng 11, ông Lê Hoài Nam, Cục phó Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kết quả quan trắc giai đoạn từ 2019 đến nay cho thấy ô nhiễm không khí ở tình trạng đáng báo động, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Đáng chú ý nhất là bụi. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Từ những nguyên nhân trên, thời gian qua, Hà Nội thường xuyên lọt vào danh sách các thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ bụi mịn tại Hà Nội có thể lên tới 150 µg/m3, cao gấp ba lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 50 µg/m3.
TS Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, thậm chí đã so sánh bụi mịn như “sát thủ vô hình” đặc biệt nguy hiểm khi có thể gây nên bệnh hen suyễn, ung thư phổi, gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển, các bệnh về da…
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng, TP Hà Nội cùng nhiều chuyên gia thời gian qua đã đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm không khí. Để bầu không khí trở nên trong lành, giảm thiểu ô nhiễm, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt trong đó, trọng tâm là cải tạo hồ, sông ngòi; chuyển đổi năng lượng sạch; phát triển hệ thống giao thông và đô thị xanh.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nhìn vào việc chất lượng không khí của Hà Nội bị suy giảm, có thể việc quản lý chất lượng không khí đang có vấn đề.
Việc nhiễm không khí tại thủ đô không những gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn tác động xấu đến nền kinh tế. Các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch gia tăng, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, dẫn đến chi phí điều trị tăng cao và giảm năng suất lao động.
Sinh sống tại Thủ đô, chị Hoàng Hoa một nhân viên văn phòng nói với Tạp chí Kinh tế Môi trường: “Thời điểm cuối tháng 11, thời tiết âm u, nhiều khi không phân biệt được mây mù với bụi, tôi thường xuyên phải đeo khẩu trang khi ra ngoài nhưng cơ thể vẫn thấy uể oải. Theo dõi trên app AQI thấy chất lượng không khí ở mức tím thường xuyên. Nhà tôi có cháu nhỏ, phải bật lọc không khí trong nhà liên tục để đảm bảo sức khỏe”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên (76 tuổi) ở Hà Đông cũng tỏ ra lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí. “Những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao đều làm cho hệ hô hấp của tôi có vấn đề nên chỉ dám ở trong nhà, không đi tập thể dục nữa. Con cái tôi thậm chí còn nghĩ đến việc chuyển cả gia đình về quê sống để "thoát" khỏi vấn đề nan giải ô nhiễm không khí ở Hà Nội”.
WHO đã chỉ ra, mỗi năm Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí, nghĩa là cứ 7,5 phút lại có một người qua đời.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cần phải xác định rõ vấn đề quản lý chất lượng không khí do đơn vị, cơ quan nào quản lý và ai là người chịu trách nhiệm trong công tác này để đưa ra những biện pháp cụ thể nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần xây dựng cơ chế tổ chức quản lý chất lượng không khí nghiêm túc và chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm cũng rất quan trọng. Điều quan trọng, để mang lại những giải pháp hiệu quả thì đại diện các doanh nghiệp, các bộ, ngành cần cung cấp, chuẩn bị những số liệu chính xác nhất, từ đó, các nhà nghiên cứu khoa học mới tạo ra được những giải pháp gắn liền với thực tiễn.
Từ thực tiễn trên, việc cấp bách là đưa ra một giải pháp có tính toàn diện nhằm hạn chế, tiến tới “làm sạch” không khí ở Thủ đô. Đây cũng là hướng đi để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.
LEZ: Kỳ vọng “lọc xanh” không khí Thủ đô
Trong bối cảnh đó, việc triển khai vùng phát thải thấp (LEZ) được kỳ vọng sẽ trở thành một giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe người dân.
Mặc dù vùng phát thải thấp là một khái niệm mới nhưng đã được triển khai thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới (London, Paris và Bắc Kinh). LEZ là khu vực mà chỉ các phương tiện có mức phát thải thấp hoặc không phát thải mới được phép hoạt động. Mục tiêu của LEZ là giảm lượng khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua tháng vào 6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Sáng ngày 12/12, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo nghị quyết, vùng phát thải thấp thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D đến F theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Cùng với đó, tiêu chí xác định vùng phát thải thấp cũng gồm chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí đối với các thông số chính như SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2.5.
UBND cấp huyện được giao lập đề án vùng phát thải thấp phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương.
Trong vùng phát thải thấp, cơ quan chức năng sẽ cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông.
Trong vùng phát thải thấp, Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel. Hạn chế hoặc cấm xe máy, xe mô tô không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 và ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Đồng thời đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Hà Nội cũng sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ người dân sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Còn bắt đầu từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn Hà Nội có đủ tiêu chí theo quy định phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Từ ngày 1/1/2025, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sẽ cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải lưu thông ở vùng phát thải thấp tại một khu vực trên địa bàn. Đây được đánh giá là một trong những động thái quan trọng nằm trong chuỗi các hành động triển khai Luật Thủ đô 2024, nhằm giảm lưu lượng xe và ô nhiễm không khí trong khu vực nội đô.
“Giấc mơ xanh” chắc chắn không dễ dàng
Dù có tiềm năng lớn, nhưng để giấc mơ về một Hà Nội xanh thành hiện thực, hành trình triển khai vùng phát thải thấp chắc chắn không dễ dàng. Một trong những rào cản lớn nhất mà thành phố đang phải đối mặt là hệ thống giao thông công cộng thiếu sự đồng bộ và chưa phát triển.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng xe máy và ô tô cá nhân đã ăn sâu vào đời sống của người dân Thủ đô. Xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng của sự linh hoạt, tiện lợi và tự do. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để người dân chấp nhận từ bỏ phương tiện cá nhân, Hà Nội cần xây dựng một hệ thống giao thông thay thế thật sự hấp dẫn, sạch và tiện lợi. Bởi khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển, việc yêu cầu người dân từ bỏ xe máy sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại chi phí cao của các phương tiện xanh như xe điện hoặc xe hybrid cũng là một rào cản lớn. Thực tế chỉ ra phần đông người dân hiện có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Điều này là rào cản lớn để tiếp cận với các loại phương tiện thay thế nếu không có các chính sách hỗ trợ hợp lý.
Như vậy, vấn đề nằm ở cả phía chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai LEZ sẽ cần tới nguồn lực tài chính lớn của chính quyền trong việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi đối với người sử dụng dịch vụ di chuyển xanh, bao gồm cả khuyến khích chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Đối với doanh nghiệp, áp lực tài chính cũng là rất lớn khi chuyển đổi phương tiện xanh, do đó cần thiết có sự hỗ trợ về thuế, giá… để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.
Để mô hình vùng phát thải thấp thực sự hiệu quả, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đóng vai trò then chốt. Bởi nếu muốn người dân chấp nhận từ bỏ phương tiện cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đã hình thành hàng chục năm qua, Hà Nội cần có hệ thống giao thông thay thế thật sự hấp dẫn, sạch và tiện lợi. Chưa kể việc người dân thay đổi phương tiện giao thông cá nhân từ chạy bằng xăng dầu sang xe điện cũng sẽ gặp khó khăn về tài chính, thói quen sử dụng,… Đứng trước những lo ngại trên, để triển khai vùng LEZ khả thi, hiệu quả Hà Nội cần có chiến lược cụ thể nhằm giải quyết những thách thức hiện tại.
Đối với vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sau khi Nghị quyết được thông qua, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân nơi thí điểm vùng LEZ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Cụ thể, Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho biết nghị quyết mới nêu nguyên tắc ban đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng LEZ. Về nội dung gợi mở một số cơ chế hỗ trợ người sử dụng phương tiện, trước hết là xe máy ô nhiễm chuyển đổi sang điện của Chủ tịch thành phố đưa ra vào ngày 11/12, hiện cơ quan chuyên môn của thành phố cũng đang làm 4 dự thảo thực hiện Luật Thủ đô 2024, trong đó có nội dung nói trên.
Việc triển khai Vùng phát thải thấp (LEZ) tại Hà Nội là một bước đi quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Mặc dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng nếu có sự quyết tâm từ chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng và sự hỗ trợ từ các chuyên gia, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình LEZ hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô.
Bích Ngọc