Ăn Tết dưới chân đồi Lai Ly Lai Láng huyền thoại
Ngọn đồi Lai Ly Lai Láng nguyên sơ và kỳ vĩ, hiện thuộc đất thung Buốc Bo, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. “Lai ly lai láng” chỉ sự rộng lớn bát ngát. Miền đất thượng du xứ Thanh huyền sử này từng được nhắc tới“ trong Đẻ đất đẻ nước”.
In hằn rất sâu trên vách đá của ngọn núi Tô Khái (Con hổ) ở xã Quy Hậu, Tân Lạc, Hòa Bình có một vết lõm hình “bàn tay” hổ. Người dân địa phương bảo rằng, nó là bàn tay của con hổ khổng lồ, bị người xưa săn đuổi đến nơi này thì bị mắc kẹt lại giữa hai trái núi. Trong cơn vẫy vùng tuyệt vọng, nó tát một cú khủng khiếp mà tạo nên dấu vết kỳ lạ trên vách đá đó.
Thầy mo thế truyền lừng danh của người Mường, ông Bùi Văn Lựng, ở xã Phong Phú (Tân Lạc) thì kể tỉ mỉ hơn. Đó chính là bàn tay của con Moong Lồ truyền thuyết, xuất hiện từ thuở hồng hoang của loài người. Chuyện con Moong Lồ (Hổ lớn khổng lồ, còn có tên gọi khác là Tìn Vìn Tượng Vượng) được kể lại sinh động và sâu sắc trong bộ sử thi kỳ vĩ nhất của người Mường, “Đẻ đất đẻ nước”.
Cứ theo bộ sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước” của các vùng mường cổ của Thanh Hóa và Hòa Bình, câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi tìm “cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc, cành vàng, lá bạc” hết sức ly kỳ, gian khổ và huyền bí. Cây chu là biểu tượng tột đỉnh của sự giàu sang phồn thịnh của người Mường. Cây chu được xẻ ra để dựng nhà lang nguy nga rực rỡ, nhưng cũng khiến oan hồn của con cái người tìm thấy nó bị chết oan mà biến thành con Moong Lồ hung dữ.
Moong Lồ to lớn, dữ tợn, tàn phá khủng khiếp, bắt người ở khắp các mường về ăn thịt. Nó cao như những ngọn núi, khi nằm cũng cao như ngọn đồi. Mỗi bước đi của nó, cây rừng cao cũng không chạm đến bụng. Nó đại diện cho thế lực thiên nhiên khắc nghiệt và nổi giận. Nó sống tại hang Con Moong, di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng hang Con Moong ở Thạch Thành, Thanh Hóa, nơi lưu giữ những dấu tích sinh sống liên tục của loài người suốt 6 vạn năm, trải suốt ba nền văn hóa sơ khai.
Nơi cây chu đá được đốn hạ và vận chuyển về, chúng tôi đã điền dã để mục sở thị, đó chính là ngọn đồi Lai Ly Lai Láng nguyên sơ và kỳ vĩ, hiện thuộc đất thung Buốc Bo, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Trong cuốn sách “Le Thanh Hoa” (Tỉnh Thanh Hóa) của Charles Robequain, người Pháp, hội viên Trường Viễn Đông Bác cổ, biên soạn năm 1929 có viết: “Chống lại những thú dữ ấy, beo báo và cọp vốn chẳng chê thịt người, và cũng để săn bắt những thú có sừng họ hươu nai chắc thịt với sừng nhung quý giá, vốn hay phá hoại mùa màng trên nương rẫy, người dân miền núi tổ chức những cuộc săn lớn, nhất là ở xứ Mường, thường huy động nhiều xóm cùng lúc diễn ra theo tục lệ truyền thống. Những con thú hoảng loạn vì tiếng la hét và tiếng cồng vang vang, lại còn bị những đàn chó lùa theo, bị dồn vào một nẻo đường mòn hoặc một quãng rừng thưa, rồi gần như bị bắn chết tại chỗ”.
Charles Robequain khi ấy mới ngoài 30 tuổi, có dịp đi điền dã ở miền Tây Thanh Hóa cũng như đến vùng đồi Lai Li Lai Láng. Tiếp xúc với nhà nghiên cứu văn hóa Thái – Mường, ông Hà Nam Ninh (72 tuổi) sinh ra và lớn lên dưới chân ngọn đồi Lai Li Lai Láng nổi tiếng, chúng tôi biết thêm về những cuộc săn truyền thống của người dân bản địa.
Từ trong năm, người ta đã chọn sẵn một khu rừng có nhiều thú lớn để săn bắn. Đám thợ săn không được bén mảng vào rừng này khi chưa đến lễ hội. Cuộc săn được tổ chức như một trận đánh, có kế hoạch “tác chiến” bài bản.
Người dân sẽ bao vây ba mặt, để dồn đàn thú về một góc, thường có vách núi cao hay sông lớn chắn lối. Nơi đó, lực lượng chủ lực là cánh thợ săn nhanh nhẹn tháo vát đang chờ sẵn với cung nỏ cứng, giáo dài, mác nhọn và nhiều lưới, bẫy lớn để đón những con thú lớn hung dữ.
Đông đảo người già, phụ nữ, trẻ em, với tất cả những dụng cụ gây huyên náo như chiêng trống, thanh la não bạt, xoong nồi… sẽ khiến đàn thú hoang mang chạy về phía góc núi đó. Người ta cũng nhanh chóng hạ gục con thú nhỏ chậm chân trong tầm mắt.
Theo luật tục, sau mỗi chuyến đi săn, cả làng sẽ mở hội chung đón Tết bằng tất cả những con thú săn được. Thú nhỏ thì không tính, nhưng những con thú to từ cỡ con hoẵng trở lên đều được chia cho cả phường săn theo nguyên tắc đã định. Người phát hiện con thú lớn và bắn phát đầu tiên, được chia cái đầu và đùi sau của con thú.
Phát bắn đầu tiên chưa có kết quả, người bắn phát tiếp theo để hạ con thú thì được chia nửa miếng thăn. Nhưng nếu chỉ một phát bắn đã hạ gục, thì gần như cả con thú do một người được lãnh thưởng. Phần này rất lớn, nên thường người thợ săn chỉ nhận danh dự là chính, còn thịt thì đem khao dân làng luôn chứ không ai mang về nhà mình.
Những người gây huyên náo dồn con thú đó về phía người thợ săn sẽ được chia một phần mông và đuôi. Những người tham gia tốp săn án ngữ đường chạy, dù không bắn hạ con thú cũng được chia phần vai và nửa miếng thăn còn lại. Nghĩa là săn được một con thú lớn về, xẻ thịt ra thì ai cũng có phần. Nhưng đó là chuyện xưa rồi.
Không phải ai khác, chính người Thái luôn dành cho thú rừng những ngày yên ổn, thanh bình nhất có thể để “ăn Tết”. Theo lệ xưa, vào ngày 24 tháng chạp, các phường cá bắt đầu đánh bắt cá ở các vũng cá. Vũng cá là một khúc sông cạn hoặc suối lớn gần bản, được ngăn đắp lại bằng đá hộc và tre luồng từ tháng 10 âm để tích trữ tôm cá. Nhiều ngày dồn lại, cá trong vũng nhiều vô kể. Việc phá vũng cá được coi là ngày hội trọng đại của dân trong vùng, rất nô nức vui vẻ.
Đến ngày 25 tháng chạp là ngày săn thú. Các phường săn đem cung tên, giáo mác, bẫy, lưới, dắt chó săn vào rừng. Họ đặt bẫy thú và săn bắt thú. Không phải vùng đất nào cũng sẵn muông thú và có nhiều phường săn mạnh để tổ chức ngày hội săn quy mô lớn.
Nhưng hoạt động này vẫn thường phải diễn ra, vì trong một số món ăn truyền thống dâng cúng tổ tiên của người Thái đòi hỏi phải có thịt thú rừng. Ngày 26 tháng Chạp, con trâu được ăn Tết sớm nhất, nghỉ ngơi mọi việc cày kéo. Trâu được ăn lúa cả bông lấy xuống từ gác bếp, được tắm nước ấm pha lẫn rượu, được thầy mo cầu cúng khấn khứa để trâu luôn khỏe mạnh, hồn vía lên trời chuẩn bị ăn Tết, xem Tết cây hoa (Kin chiêng boóc mạy). Từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp, người ta sẽ tranh thủ làm các công việc này cho trâu, mong trâu được vui vẻ khỏe mạnh để năm sau còn có sức giúp đỡ con người việc lên đồi kéo cây, ra đồng cày ruộng. Lễ cúng đơn giản thôi, chỉ mấy nén hương, đĩa trầu, chai rượu và nước sạch đặt trên chiếc mâm đan bằng mây, nhưng bà con luôn làm rất nghiêm túc, cẩn thận như cúng cho con người vậy.
Sự kiện quan trọng đối với người dân trong dịp Tết, chính là để cho thú rừng ăn Tết. Tất cả mọi người dân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ phải chịu sự trách phạt theo luật tục bản mường. Tuần lễ ăn Tết của thú rừng là từ 29 tháng chạp đến mồng 5 tháng giêng.
Theo đó, tất cả mọi người đều phải trở về làng bản, không ai được vào rừng lên nương nữa. Rừng được trả lại không khí bình yên tuyệt đối trong dịp Tết. Không ai được săn bắt, sát sinh trong rừng nữa. Tất cả các bẫy thú mà người ta đã đặt trước đó đều phải tháo dỡ hết, để thú rừng được an toàn mà ăn Tết. Săn bắt nhưng không tận diệt, muông thú cây cỏ cũng cần được tái tạo, sinh sôi. Các muông thú, cây cỏ đều có linh hồn, cần được tôn trọng. Đó là quan niệm đa thần, vạn vật hữu linh của người Thái cổ xưa.
Luật cấm sát sinh không có nghĩa rằng mâm cỗ ngày Tết của người Thái sơ sài, thậm chí còn rất cầu kỳ, đầy đủ. Bà con đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho dịp Tết, thậm chí đủ đến tận rằm tháng Giêng. Vì trước ngày cấm vào rừng lên nương, người Thái xưa có hai lễ hội đặc biệt lớn được đông đảo bà con chờ ngóng tham gia: Lễ phá vũng cá cấm và Lễ săn thú.
Lễ hội phá vũng cá cấm từ lâu đã được coi là một nét đẹp trong văn hóa của người Thái, rất độc đáo so với các cộng đồng dân tộc khác. Từ nhiều tháng trước Tết, dân bản lựa chọn một khúc sông hoặc suối tương đối sâu và tĩnh lặng, dùng gỗ đá chặn dòng nước lại. Các loại cá sẽ không xuôi dòng nữa, chỉ tiếp tục chảy về và sinh sôi trong vũng cá đó. Vũng cá này là tài sản chung của cả bản làng, không ai được đánh bắt cá. Người dân luôn tự giác tôn trọng luật lệ, thậm chí còn cắt cỏ, lá cây, bỏ thức ăn thừa xuống vũng mà nuôi cá cho mau lớn.
Lễ hội thường được diễn ra vào ngày 24 tháng Chạp, cả bản tham gia phá vũng cá cấm đó. Chủ đạo là các thành viên trong phường cá với những công cụ và khả năng đánh bắt cá chuyên nghiệp. Tiếp đến là phụ nữ với các công cụ thô sơ hơn như nơm rổ. Người già trẻ em cũng có thể tham gia vào công đoạn dồn cá về phía có người lớn chờ sẵn với các chài lưới. Tiếng reo hò huyên náo khắp vùng, đây được coi là dịp lễ vui vẻ nhất của người Thái. Hàng tạ cá được đem lên bờ, có những con nặng đến năm bảy cân, được chia đều cho tất cả các gia đình trong bản. Người già ốm không rời giường không tham gia lễ hội cũng được chia phần, đem đến tận nhà. Ai cũng đủ cá để ăn trong dịp Tết.
Sang ngày hôm sau, 25 tháng Chạp, phường săn lại tổ chức lễ hội cho toàn dân bản. Lễ phá vũng cá cấm vẫn còn, nhưng lễ hội săn thú bãi bỏ lâu rồi, từ khi có luật bảo vệ động vật hoang dã và cấm các loại súng săn. Nhưng nó vẫn còn trong ký ức của người Thái từng có dịp tham gia. Ngày nay, nguồn thực phẩm dồi dào, người dân không nhất thiết phải giết thịt thú rừng để ăn Tết nữa.
Lê Quân