Ăn nước mắm làm từ chất tẩy vệ sinh ảnh hưởng đến sức khoẻ thế nào?
Thông tin cơ quan chức năng phát hiện 3 công ty sử dụng 48 tấn hóa chất công nghiệp (Soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm đã khiến không ít người tiêu dùng lo lắng cho sức khỏe.
Mẫu nước mắm được thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện sử dụng soda công nghiệp và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất. |
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết đã phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với 3 công ty do hành vi sử dụng 48 tấn hóa chất công nghiệp (Soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm. Đó là Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang).
Riêng Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (TP.HCM) bị phạt 6 triệu đồng do vi phạm về điều kiện sản xuất.
Trước đó, thanh tra Bộ Nông nghiệp và An ninh Kinh tế, Bộ Công an đã tiến hành thanh tra sản xuất nước mắm tại An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM, kết quả phát hiện các cơ sở trên có những vi phạm trong vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt trong đó là sử dụng hóa chất tẩy rửa để sản xuất nước mắm.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT - các doanh nghiệp kể trên đã sử dụng nguyên liệu đầu vào là "nước hoa cà" và nước bột ngọt để cho chạy qua hệ thống xác cá, trong đó "nước hoa cà" (hay còn gọi là dịch chấm hoặc nước mắm bán thành phẩm) được làm bằng cách sử dụng Soda công nghiệp trung hòa axit trong bột ngọt và bổ sung dịch chưng cất đầu tôm để tăng độ đạm.
Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Công an đã yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp để xác minh thêm, lấy mẫu thêm trên thị trường. Các mẫu kiểm nghiệm được Thanh tra Bộ NN&PTNT chuyển đến Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, toàn bộ chất cấm, kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép. Trên cơ sở đó, cơ quan công an đã yêu cầu Thanh tra Bộ xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính.
Soda công nghiệp hại sức khỏe ra sao?
Được biết, loại Soda được sử dụng trong sản xuất nước mắm trên là Soda Ash Light - Na2CO3, là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm. Na2CO3 dễ bị nhầm lẫn với Na2HCO3 (natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat) vốn được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và có nhiều tên gọi khác: bread soda, cooking soda. Trong khi đó, Na2CO3 là muối nhưng do tính ăn mòn cao nên chỉ dùng trong công nghiệp.
Na2CO3 công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, và nó còn là yếu tố gây ung thư.
Đặc biệt, Na2CO3 có thể trở thành một loại khí carbon monoxide nguy hiểm nếu tiếp xúc với thực phẩm có chứa đường khử (đường chứa nhóm aldehyde (-CHO) hoặc ketone (-CO) như glucose, fructose, arabinose, maltose, lactose). Nếu nuốt phải Na2CO3, đặc biệt là với số lượng lớn, có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày hoặc thực quản hoặc nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy.
Trong trường hợp tiếp xúc mắt trực tiếp với Na2CO3 có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Mai Anh