Thứ sáu, 22/11/2024 19:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 09:35 (GMT+7)

An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA chủ trì tổ chức hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2020. Năm nay, chủ đề của hội thảo mang tên “An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.

An ninh nguồn nước quyết định sự tồn vong của quốc gia

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA khẳng định, nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Nước quyết định sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Nguồn nước và nước sạch liên quan trực tiếp đến tất cả mọi người, mọi vùng, kể cả ở nông thôn và đô thị.

An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - Ảnh 1
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó từ nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề về nước với cuộc sống và sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

Các nội dung được đưa ra thảo luận bao gồm: An ninh nguồn nước: Thách thức và giải pháp; An ninh nước với phát triển bền vững – Vai trò và đóng góp của tổ chức xã hội, thực hiện cấp nước an toàn, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - Ảnh 2
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Tại buổi hội thảo, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam đã đưa ra những số liệu cụ thể liên quan đến tài nguyên nước của Việt Nam. Hiện nay khối lượng nước mặt trên và đến lãnh thổ rất lớn, ước tính khoảng 830-840 tỉ m3/năm. Tuy nhiên phân bổ không đồng đều giữa các vùng trên cả nước.

Ngoài ra vấn đề nguồn nước ở Việt Nam cũng không phong phú, bị phụ thuộc nặng nề vào các nguồn nước ngoài biên giới. Cộng với sự gia tăng nhanh dân số, phát triển thủy điện một cách ồ ạt và dày đặc trên các lưu vực sông, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu/không kiểm soát diễn ra ở tất cả các lưu vực sông, gây tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Các quốc gia thượng nguồn sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông gia tăng. Biến đổi khí hậu và những bất cập trong vấn đề quản lý tài nguyên nước. Đó là những vấn đề thách thức an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Về an ninh nguồn nước được PGS.TS Đào Trọng Tứ đưa ra ở 5 khía cạnh: An ninh nước cho các hộ gia đình; an ninh nước cho phát triển kinh tế; an ninh nước cho đô thị; an ninh nước cho môi trường; an ninh nước và phòng chống thảm họa. Số liệu được đưa ra khiến nhiều người phải giật mình vì tình trạng sử dụng nguồn nước không hợp lý và xâm hại một cách “thô bạo”.

Sau khi đưa ra những thách thức, PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường an ninh nước trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay: Tăng cường việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước qua phương thức tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; Tăng cường đầu tư hoạt động khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các tầng nước thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tìm cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước quốc gia; Nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn; Nâng cao nhận thức và tham gia của các bên liên quan, cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước quốc gia.

Những ý kiến của PGS.TS Đào Trọng Tứ được các chuyên gia đầu ngành ghi nhận. Từ đó có những đề xuất góp ý để giúp các cơ quan nhà nước có những điều chỉnh phù hợp đối với tài nguyên nước.

Cấp nước an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Trong buổi thảo luận, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng nêu ra vấn đề “Thực hiện cấp nước an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng". Đây cũng là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm bởi hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước chưa tìm được giải pháp xử lý hiệu quả. Thực trạng sử dụng nước sạch ở thành thị và nông thôn tăng cao trong những năm gần đây, tuy nhiên vấn đề pháp lý và quản lý chưa thực sự chặt chẽ, còn nhiều bất cập. Công tác duy tu, bảo trì trạm xử lý, đường ống nước chưa được thường xuyên, dẫn đến tình trạng công trình nhanh xuống cấp, chất lượng nước không được đảm bảo.

Để thực hiện tốt hơn, nhằm tránh thất thoát tài nguyên nước, thất thoát ngân sách nhà nước, nâng cao công tác quản lý nhà nước, giúp người dân và các đơn vị có nguồn nước đảm bảo đề sự dụng. PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến đưa ra các giải pháp và kiến nghị: Về chỉ đạo điều hành; Hoàn thiện các văn bản pháp luật; Bảo vệ nguồn nước đầu vào; Giải pháp công trình; Giải pháp về khoa học, công nghệ; Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực và giải pháp về tuyên truyền.

Sau đó, buổi hội thảo được tiến hành 3 phiên song song bàn về các chủ đề: An ninh nước và sức khỏe; Nước - Môi trường và biến đổi khí hậu; Môi trường pháp lý cho phát triển các tổ chức xã hội.

An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam chủ trì Phiên 2 với chủ đề: Nước – Môi trường và Biến đổi khí hậu.

Tại Phiên 2 với chủ đề: Nước – Môi trường và Biến đổi khí hậu, do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam chủ trì, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực về tình hình thực tế.

Đối với vấn đề Nghiên cứu xây dựng tiếu chí đánh giá các địa điểm ô nhiễm tồn lưu ở Việt Nam, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, qua quá trình nghiên cứu, tham khảo tài liệu ở các nước phát triển đã nêu ra khái niệm ô nhiễm tồn lưu, chỉ ra những ảnh hưởng, từ đó lựa chọn xây dựng nên các nhóm tiêu chí đánh giá. Theo đó, việc đánh giá ô nhiễm tồn lưu dựa trên 4 nhóm sau: Đặc thù ô nhiễm; Khả năng làn chuyền/vận chuyển ô nhiễm; Mức độ phơi nhiễm với hệ sinh thái và con người; Tác động tới phát triển kinh tế - xã hội.

4 tiêu chí này dùng để đánh giá 5 loại hình phát sinh ô nhiễm nhân tạo: Bãi chôn lấp chất thải rắn; Cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; Khu vực khai thác và chế biến khoáng sản; Kho xăng dầu, kho lưu trữ hóa chất; Khu vực lưu giữ chất thải và hóa chất của các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đối với vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi hiện nay, bà Cẩm Thị Lan Phương, đại diện Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT cho biết, lượng mưa cộng với lượng nước từ các sông hồ và nguồn nước ngầm, hàng năm cung cấp cho nước ta một lượng nước vô cùng dồi dào, khoảng 830-840 tỉ m3/năm. Trong đó có khoảng 520 tỉ m3 nước đến từ ngoài lãnh thổ, nguồn nước nội sinh chiếm khoảng 37 %, tương đương khoảng 320 tỉ m3. Lượng nước ngầm cũng có tiềm năng khai thác khoảng hơn 61 triệu m3/ngày. Tuy nhiên lượng nước ở nước ta phân bổ không đồng đều, chính vì vậy xây dựng các đập, hồ chứa là một trong những phương án tối ưu.

Hiện tại ở Việt Nam có 7.169 đập và hồ chứa, tính đến thời điểm hiện tại có 6.750 hồ chứa thủy lợi, lưu trữ khoảng 14.5 tỉ m3 nước, tạo nguồn tưới cho khoảng 1.1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp  khoảng 1.5 tỉ m3 nước sinh hoạt. Trước thực trạng các hồ chứa có dấu hiệu xuống cấp, biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan… có nguy cơ làm mất an toàn đập, hồ chứa, nhằm đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác tối đa lợi thế phục vụ mục đích sử dụng, đại diện của Tổng cục Thủy lợi đã nêu ra 2 giải pháp.

Thứ nhất, giải pháp công trình: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sửa chữa, đảm bảo chất lượng các công trình . Hàng năm bố trí kinh phí để bảo trì, nâng cấp các đập, hồ chứa theo quy định.

Thứ hai, giải pháp phi công trình: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22/CT-TTg, ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; Chỉ thị số 1786/CT-BNN-TCTL, ngày 10/3/2020 của Bộ Trưởng bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2020; Rà soát năng lực của các cá nhân, tổ chức khai thác đập, hồ chứa nước thủy lợi; Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo Luật Thủy lợi năm 2017, Nghị định 114/2018?NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ và các quy định liên quan khác; Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo mưa lũ; Hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi. Tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình khoa học công nghệ ứng dụng chuyển giao công nghệ về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; Chủ động bố trí ngân sách địa phương để cải tạo nâng cấp; Tổ chức thông tin, tuyên truyền. diễn tập, tập huấn …

Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa từ sông tới đại dương; Hiện trạng và hành động từ Khoa học đến chính sách của bà Nguyễn Kiều Trang, Phó giám đốc Green-Hub cũng được đưa ra thảo luận. Nêu ra thực trạng thực tế, kêu gọi cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Phân loại, tái chế một cách hợp lý, khoa học.

Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, việc khô hạn, xâm nhập mặn đang là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt là trong khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Với chủ đề này, TSKH. Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp hội Cần Thơ đã đưa ra những thông tin cụ thể, dẫn chứng về việc tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại Đồng Bằng sông Cửu Long đang ngày càng nghiêm trọng, do yếu tố biến đổi khí hậu tác động trực tiếp. Từ đó đề xuất xây dựng chương trình ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, ngập lụt… Kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần đề xuất các tổ chức Asean liên quan, phối hợp đưa ra giải pháp, chia sẻ, sử dụng nguồn nước sông  Mekong.

Cùng với chủ đề biến đổi khí hậu, PGS.TS Lã Thanh Trà, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nêu chủ đề “tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước Việt Nam”. Qua quá trình nghiên cứu và thực tế, PGS.TS Lã Thanh Trà đưa ra một số kết luận như sau: Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề nóng bỏng, quan trọng và nó tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững của thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt và hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn; Lượng mưa trung bình giảm đi vào cac tháng 12 đến tháng 5, nhưng lại tăng lên trong tháng 6 đến tháng 11; Việt Nam có sự chuẩn bị khá tốt để ứng phó biến đổi khí hậu.

Nội dung thảo luận cuối cùng, là chủ đề Chung tay bảo tồn nguồn nước, phát biểu về nội dung này, bà Nguyễn Ngọc Lý, người Sáng lập – Chủ tịch Hội đồng quản lý – CERC đã đưa ra những quan điểm chung về an ninh nguồn nước, dưới tác động của ô nhiễm, rác thải nhựa, biến đổi khí hậu… Bà Lý mong muốn xây dựng mạng lưới bảo tồn, chung tay hành động để bảo tồn nước.

Quang Huy - Hà Điệp

Bạn đang đọc bài viết An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới