Thứ bảy, 23/11/2024 11:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/04/2020 09:06 (GMT+7)

Ai sẽ giành 'số 1' sản xuất vắc-xin chống Covid-19?

Theo dõi KTMT trên

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch, Mỹ, Đức, Trung Quốc đang tung hết trí tuệ và tiền bạc để tìm ra vắc-xin chữa trị virus SARS-CoV-2 sớm nhất. Đại dịch lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hơn 59 nghìn người ở gần 200 quốc gia.

Ai sẽ giành 'số 1' sản xuất vắc-xin chống Covid-19? - Ảnh 1
Cuộc chạy đua tìm ra vắc-xin chống virus được các quốc gia tăng tốc khẩn cấp và không ngại tốn kém chi phí.

CureVac: “Vắc-xin sẽ có trong 6 tháng tới”

Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là bao giờ có vắc-xin chống Covid-19 khi các biện pháp chống dịch bệnh mạnh tay nhất được nhiều quốc gia triển khai song chỉ có thể làm chậm sự lây lan của virus.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang làm việc với các nhà khoa học trên toàn cầu về ít nhất 20 loại vắc-xin khác nhau ngừa virus Corona (SARS-CoV-2). Một số vắc-xin đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong thời gian kỷ lục - chỉ 60 ngày sau khi giải trình tự gene.

Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh “Chúng ta phải rất cẩn thận trong việc phát triển bất kỳ sản phẩm dùng để tiêm cho phần lớn dân số thế giới”.

Hiện nay, có khoảng 35 công ty và tổ chức trên thế giới đang chạy đua nước rút để tìm ra vắc-xin. 4 công ty lớn tuyên bố đã thử nghiệm vắc-xin trên động vật.

Sản phẩm đầu tiên do Công ty công nghệ sinh học Moderna (có trụ sở tại Boston, Hoa Kỳ) sản xuất và được thử nghiệm trên người ngay sau đó.

Các cơ quan y tế ước tính sẽ mất khoảng 18 tháng để chế ra vắc-xin ngừa Covid-19. Sau khi Liên minh Châu Âu quyết định tài trợ 80 triệu Euro cho Công ty dược phẩm CureVac của Đức vào ngày 16/3, bà Ursula von der Leyen thông báo sẽ sớm có vắc-xin trước mùa thu năm nay, tức khoảng 6 tháng tới.

Trong bối cảnh Covid-19 trở thành “thảm hoạ” đe doạ suy thoái kinh tế Mỹ, Tổng thống Mỹ Donal Trump đề nghị trả Công ty CureVac khoảng 1 tỉ USD để bảo đảm vắc-xin “chỉ dành riêng cho Mỹ”. Ngay sau đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết “nghiên cứu vắc-xin của Đức không phải để bán”.

Nhà đầu tư chính của CureVac là Tập đoàn Dievini Hopp Biotech Holding khẳng định sẽ không bán vắc-xin cho bất cứ quốc gia riêng lẻ nào và tuyên bố “Chúng tôi muốn phát triển vắc-xin cho cả thế giới”.

Bộ trưởng Altmaier hoan nghênh “quyết định đúng đắn” này và cho biết thêm, nếu có bên nào mua lại, Chính phủ Đức sẽ có sự can thiệp ngay.

Reuters dẫn lời giám đốc sản xuất kiêm đồng sáng lập công ty, ông Florian von der Muelbe cho hay, phương pháp sử dụng vắc-xin liều thấp để kích ứng hệ miễn dịch chống lại bệnh dại cũng sẽ được áp dụng đối với Covid-19.

"Chúng tôi sẽ sản xuất tối thiểu 10 triệu liều cho một chu kỳ sản xuất", ông Florian von der Muelbe nói và cho biết: “Mỗi chu kỳ sản xuất sẽ kéo dài trong vài tuần, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho vài triệu người. Chúng tôi đang chọn ra hai loại vắc-xin tốt nhất để đưa vào thử nghiệm lâm sàng".

Tiếp sau Đức, Mỹ là quốc gia thứ hai trên thế giới tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm vắc-xin lâm sàng. Cuộc thử nghiệm sản phẩm từ nghiên cứu của NIH với Hãng công nghệ sinh học Moderna (đặt tại Cambridge, bang Massachusetts) được tiến hành trên 45 tình nguyện viên là người trưởng thành khỏe mạnh, có độ tuổi từ 18-55 trong thời gian khoảng 6 tuần. Họ còn phải trải qua các giai đoạn khác nhau để đánh giá tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin dành cho người.

Giới chức y tế Mỹ cho biết phải mất từ 12-18 tháng để đưa vắc-xin vào sản xuất đại trà trong tình hình suôn sẻ.

Tháng 4 Trung Quốc sẽ thử nghiệm vắc-xin lâm sàng

Không chịu “kém miếng” trong cuộc đua “số 1” chế tạo vắc-xin chống Covid-19, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm vắc-xin mRNA lâm sàng trên người ngay giữa tháng 4. Ông Yang Zhanqiu, nhà virus học Đại học Vũ Hán nhấn mạnh, điều này báo hiệu bước tiến lớn của Trung Quốc trong việc phát triển vắc-xin chống Covid-19 trong khi nhiều quốc gia khác chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật.

Ngoài ra, một loại vắc-xin khác để chống lại virus giống như hạt (VLP) được phát triển ở Thượng Hải cũng tạo ra các kháng thể đặc hiệu ở chuột.

Ai sẽ giành 'số 1' sản xuất vắc-xin chống Covid-19? - Ảnh 2
Anh Cao Junjie tự chế chiếc địu đặc biệt để bảo vệ con nhỏ 2 tháng tuổi trong dịch Covid-19, tại Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS.

Đến nay, đã có 108 người đầu tiên ở Trung Quốc tham gia thử nghiệm vắc-xin chống Covid-19. Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Yang cho hay “để hoàn thành các thử nghiệm vắc-xin trên động vật phải mất ít nhất 3 tháng. Nếu thành công, vắc-xin sẽ được đưa vào sử dụng trên người vào mùa Đông năm nay, trong khi thông thường cần từ 3 đến 5 năm, thậm chí 10 năm để phát triển vắc-xin”.

Việc phát triển vắc-xin đòi hỏi một thời gian dài để nghiên cứu, thử nghiệm song sẽ đúc rút ra những kinh nghiệm giúp ích cho hoạt động nghiên cứu virut.

Công ty GL Biochem có trụ sở tại Thượng Hải, nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm Peptide (một loại vắc-xin khác) đã sản xuất gần 4.000 loại kháng nguyên Peptide cho hơn 30 công ty vắc-xin trong và ngoài nước như phòng thí nghiệm "SARS Hero" tại Zhong Nanshan, phòng thí nghiệm của Rolf Hilgenfeld, giáo sư nghiên cứu Covid-19 tại Đại học Lubeck ở Đức.

Chính phủ các nước Châu Âu, Mỹ dường như đang bối rối khi Covid-19 lây lan quá nhanh, trở thành những “ổ dịch” lớn với số ca lây nhiễm, ca tử vong vượt cả Trung Quốc.

Ở Châu Âu, Italy là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Tính đến 8h 49 phút sáng ngày 4/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 lên tới 119.827 ca, trong đó 14.681 người tử vong, trong khi Trung Quốc bùng phát dịch từ tháng 1, hiện chỉ có 3.328 ca tử vong. Đức cũng ghi nhận tới 91.159 ca nhiễm dịch với 1.275 ca tử vong, đáng chú ý bà Angele Merkel, 65 tuổi, đã tự cách ly tại nhà sau khi đi tiêm ngừa phế cầu khuẩn.

Mỹ đã trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 277.161 ca nhiễm, 7.392 người tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình trạng nghiêm trọng đến mức Tổng thống Trump phải thừa nhận nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sau khi hơn 13.000 người tử vong trên toàn cầu (tính đến sáng 23/3), chứng khoán Phố Wall trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 1987.

Đến 4/4, Anh hiện ghi nhận hơn 38.168 ca nhiễm, tăng gấp 4 lần trong vòng 10 ngày qua, đã có 3.605 tử vong do Covid-19 lây quá nhanh. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này có thể cần áp dụng biện pháp giới nghiêm và hạn chế di chuyển để làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dường như người dân vẫn “phớt lờ” những khuyến cáo về đeo khẩu trang, tụ tập đông người.

Trà My

Bạn đang đọc bài viết Ai sẽ giành 'số 1' sản xuất vắc-xin chống Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới