Thứ sáu, 29/03/2024 18:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/07/2020 09:02 (GMT+7)

Ai sẽ 'giải vây' thế trận nguy cấp ở Eximbank?

Theo dõi KTMT trên

Đã là lần thứ 7 trong nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020) mà kỳ họp Đại hội cổ đông của Eximbank bị thất bại, khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ. Cổ đông, nhà đầu tư của ngân hàng này không khỏi xót xa khi cuộc chiến quyền lực dai dẳng giữa các phe nhóm khiến hoạt động kinh doanh sa sút, bế tắc đường hướng...

Ai sẽ 'giải vây' thế trận nguy cấp ở Eximbank? - Ảnh 1
Những xung đột gay gắt giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank khiến cho mọi hoạt động quan trọng bị trì hoãn, đổ bể, không thể chốt nhân sự lãnh đạo để điều hành vực dậy kinh doanh.

“Kịch bản bất thành” của các kỳ Đại hội cổ đông

Ngày 30/6/2020 vừa qua, hai cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 (buổi sáng) và Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 (buổi chiều) của ngân hàng Eximbank đều thất bại vì không đạt tỉ lệ cổ phần tối thiểu để tiến hành.

“Kịch bản bất thành” có lẽ đã được những người triệu tập họp và tổ chức dự liệu trước, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi chỉ có 131 cổ đông tham dự Đại hội cổ đông thường niên, đại diện cho 7,69% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Phải mất thêm nửa giờ chờ đợi thì 2 cổ đông là VOF Investment Limited (sở hữu 4,93% cổ phần EIB) và MR Exim Investments Limited (tên cũ: Mirae Asset Exim Investments Limited nắm 4,52%) mới đăng kí dự họp. Nhưng tổng tỉ lệ cổ phần của cổ đông dự họp chỉ đạt 17,54%, không đủ điều kiện để tiến hành đại hội.

Tỉ lệ cổ phần của cổ đông đến họp thấp kỉ lục này cho thấy sự không đồng thuận của những nhóm cổ đông lớn về Đại hội cổ đông thường niên 2020 được triệu tập bởi Hội đồng quản trị do ông Cao Xuân Ninh đứng đầu, và sau đó là ông Yarushito Saitoh kế nhiệm kể từ ngày 25/6/2020.

Đơn cử như cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% cổ phần Eximbank cũng không dự họp. Nhóm này trước đó đã yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để miễn nhiệm ông Yarushito Saitoh khỏi vị trí thành viên HĐQT và giảm số thành viên HĐQT từ 10 xuống tối đa 7 người.

Nhóm Tập đoàn Hoàn Cầu từng nắm 16,43% cổ phần Eximbank với đại diện là bà Lương Thị Cẩm Tú – từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhưng không nhận được sự đồng thuận, Công ty Cổ phần Rồng Ngọc, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh… đã không đăng kí dự họp.

Các nhóm cổ đông lớn khác như nhóm bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và Lafelle Limited nắm giữ 10,36% cổ phần Eximbank hay Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công từng tuyên bố sở hữu 12,97% cổ phần EIB đều “vắng bóng” trong “tỉ lệ 17,54%” hiếm hoi nói trên.

Ai sẽ 'giải vây' thế trận nguy cấp ở Eximbank? - Ảnh 2
Các cổ đông lớn đồng loạt không đăng kí họp ĐHCĐ thường niên ngày 30/6/2020. Ảnh: Viettimes.vn

Chiều cùng ngày 30/6, Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 thu hút sự quan tâm của các nhóm cổ đông hơn hẳn với 129 cổ đông tham dự, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tỉ lệ này cũng không đủ điều kiện để tiến hành Đại hội, song mở ra tia hi vọng ở cuộc họp lần 2 có thể diễn ra nếu chỉ cần đạt tỉ lệ 51%. Cổ đông lại ngao ngán ra về trong sự khó hiểu, bế tắc, chưa có lời giải về những mâu thuẫn nội bộ dai dẳng, khó “hoá giải” tại Eximbank.

Trước đó, nhóm VOF Investment Limited, MR Exim Investments Limited từng gửi văn bản yêu cầu Eximbank không tổ chức cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường trong năm 2019, để tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Nhóm bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và Lafelle Limited đã gửi văn bản yêu cầu ngân hàng cân nhắc thận trọng việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường.

Trong mối bất đồng quan điểm sâu sắc giữa các nhóm cổ đông lớn và nội bộ HĐQT, cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 đã không thể tiến hành theo thời gian quy định sau vài lần bị trì hoãn, thậm chí tìm cách “câu giờ” bất chấp sự vi phạm quy định khiến các thành viên HĐQT có thể đối diện án xử phạt hành chính…

Năm ngoái, cả phiên họp ĐHCĐ thường niên và bất thường của Eximbank đều không tổ chức thành công. Một lần là do không đủ tỉ lệ số cổ phần biểu quyết, còn một lần “dậy sóng” bởi tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông xoay quanh tính hợp pháp của Nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Lợi ích nhóm “lấn át” lợi ích ngân hàng?

Khoảng 5 năm trở lại đây, dự án “New Eximbank” được triển khai để vực dậy ngân hàng song chưa đem lại kết quả khả dĩ cho hoạt động của nhà băng này. Điều thu hút sự quan tâm của thị trường nhất vẫn là những mâu thuẫn nội bộ căng thẳng, dai dẳng, đi vào ngõ cụt giữa các phe nhóm cổ đông trong cuộc tranh giành quyền lực lãnh đạo.

Bản thân các Chủ tịch HĐQT được bầu trong tình thế “nhùng nhằng” lại không nắm hoặc sở hữu rất ít cổ phần Eximbank, tiếng nói yếu ớt thiếu tầm ảnh hưởng, và đại diện cho nhóm cổ đông nào đứng sau vẫn là điều bí ẩn. Ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh… khi ngồi vào “ghế nóng” Chủ tịch đều vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ, thậm chí cổ đông khởi kiện ra toà để yêu cầu huỷ Nghị quyết bầu Chủ tịch.

Trong “thế trận” phân tranh quyền lực không có được sự đồng thuận từ các nhóm cổ đông lớn, hoạt động của HĐQT cũng rất chật vật, không thông qua được các định hướng quan trọng, không triển khai được các Nghị quyết Đại hội cổ đông đề ra. Điển hình như việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và tổ chức họp ĐHCĐ thường niên và bất thường. Việc cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước… cũng không được xử lý kịp thời.

Đáng lo ngại là suốt những năm “nội chiến”, hoạt động kinh doanh của Eximbank rơi vào bế tắc, lợi nhuận sa sút và trồi sụt thất thường. Đã có những quý kinh doanh thua lỗ như quý 4/2018 Eximbank bị lỗ trước thuế 309 tỉ đồng, song cả năm 2018 vẫn lãi trước thuế 827 tỉ đồng và năm 2019 chật vật kinh doanh mới lãi được 1.095 tỉ đồng. Hàng loạt các vụ vi phạm giao dịch, mất tiền gửi, điển hình như vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng, làm thiệt hại rất lớn… Eximbank gánh chịu tai tiếng, bị tụt lại phía sau, kém xa so với những ngân hàng cùng quy mô một thời.

Bất ổn kinh doanh và kết quả lợi nhuận sa sút là hệ luỵ đau xót mà chính các cổ đông, chủ sở hữu ngân hàng phải gánh chịu, còn thiệt hại lớn hơn là uy tín thương hiệu, hình ảnh một Eximbank với nền tảng vững chắc được gây dựng hàng chục năm qua đang ngày càng suy tàn, mờ nhạt trong mắt nhà đầu tư, khiến đối tác, khách hàng lo sợ, dè chừng.

Một số cổ đông đã gửi đơn cầu cứu lên Ngân hàng Nhà nước để mong giải quyết những khủng hoảng của Eximbank, trong đó, phản ánh bức xúc về hành vi thâu tóm Eximbank của nhóm cổ đông liên quan Ngân hàng Nam Á mà nhóm này có xung đột gay gắt với chính các cổ đông sáng lập Nam Á, bị tố chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp...

Khi nội bộ mâu thuẫn, cổ đông ngoại SMBC lại có động thái “đổi chiều” khi bà Tú tham gia HĐQT, liên tục đưa ra các yêu cầu không phù hợp với Điều lệ Eximbank và quy định pháp luật, nhằm tạo lợi ích nhóm cục bộ cho nhóm cổ đông của họ, gây bất ổn cho Eximbank khi cản trở việc tổ chức Đại hội cổ đông và thành lập Uỷ ban độc lập thuộc Hội đồng quản trị không phù hợp với Điều lệ.

Điều ngạc nhiên là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái quyết liệt hơn trong vai trò “nhà điều hành” để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm ở Eximbank, giúp "giải vây" thế trận tranh giành quyền lực vì lợi ích nhóm đã diễn ra ngang nhiên, thao túng ngân hàng bất chấp vi phạm quy định pháp luật. Ngay cả cuộc thanh tra toàn diện với những kiến nghị, chỉ đạo khắc phục vi phạm nhiều năm trước, phải chăng cũng không đủ sức nặng để trấn áp được nhóm lợi ích?

Hải Hà

Bạn đang đọc bài viết Ai sẽ 'giải vây' thế trận nguy cấp ở Eximbank?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.