Tân chủ tịch Cao Xuân Ninh: “Chúng tôi rất xấu hổ vì để Eximbank đến cảnh này”
Có tới 55,09% cổ đông biểu quyết không thông qua Quy chế tiến hành cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank lần 2 nên ngân hàng sẽ phải tổ chức họp lần thứ 3. Tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm cổ đông về tính hợp lệ của các quyết định bầu và miễn nhiệm nhân sự chủ chốt vẫn chưa dừng lại...
Sáng 21/6, cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 2 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) được tổ chức sau khi lần 1 bất thành.
Sau khi kiểm tra tư cách cổ đông, đại hội đã tiến hành xem xét quy chế tổ chức cuộc họp do ban tổ chức ĐHCĐ Eximbank công bố.
Tuy nhiên, sau 3 lần biểu quyết, tỷ lệ cổ đông đồng ý Quy chế tiến hành họp ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank chỉ đạt 39,85% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự họp. Có tới 55,09% biểu quyết không đồng ý và 6,06% là không có ý kiến.
Đến 11h30, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban kiểm soát Eximbank, tuyên bố ngừng cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của ngân hàng này vì cổ đông không đồng ý thông qua Quy chế họp. Như vậy, Eximbank sẽ phải tiến hành ĐHCĐ thường niên lần thứ 3 vào thời điểm thích hợp.
ĐHCĐ thường niên lần 2 không thể tiến hành nên Eximbank sẽ phải tiến hành ĐHCĐ thường niên lần thứ 3 |
ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank năm nay rất “nóng” vì cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nhóm cổ đông của Eximbank, bao gồm cả cổ đông lớn SMBC (Nhật) về tính hợp pháp của nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT và quyền Tổng giám đốc mới. Trước thềm đại hội, ông Cao Xuân Ninh bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho 2 nhân vật là “tâm bão” tranh chấp ghế chủ tịch suốt 6 tháng qua là ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Cùng với việc thay chủ tịch HĐQT, Eximbank cũng công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - quyền Tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng ban kiểm soát mới.
Không khí buổi họp ĐHCĐ đã căng thẳng ngay từ lúc bắt đầu khi cổ đông nắm giữ 70 triệu cổ phần EIB có quyền biểu quyết đã phát biểu bày tỏ bức xúc về nhiều lãnh đạo coi thường cổ đông cũng như vi phạm luật pháp Việt Nam, có nghi vấn lợi ích nhóm tại ngân hàng. Cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) cũng không chấp nhận và có gửi văn bản lên Eximbank. Do đó, cổ đông này đề nghị ông Đặng Anh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT và ông Hoàn Tuấn Khải (đại diện chủ tọa cuộc họp tháng 5) để xem xét lại tư cách ông Cao Xuân Ninh với tư cách chủ toạ.
Ông Đặng Anh Mai cho biết, đối với phiên họp ngày 15/5 do ông và ông Hoàng Tuấn Khải đã triệu tập lần hai đồng thời hai người đã ký các tờ trình liên quan, bao gồm Nghị quyết 112 và bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi tư cách Chủ tịch HĐTQ đồng thời bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế, mục đích để HĐQT không muốn mất quá nhiều thời gian tại toà.
Ngày 15/5, khi cuộc họp HĐQT chưa kết thúc và chưa có biên bản họp, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách HĐQT đã ký Nghị quyết 231 chấm dứt Nghị quyết 112. Do Nghị quyết 231 được ban hành trước khi nhận được quyết định 159 của Tòa án nên Nghị quyết này là trái pháp luật và cá nhân ông Mai cũng không đồng tình Nghị quyết 231 bầu Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng Giám đốc mới.
Được biết sau đó Eximbank đã ban hành Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn ĐHCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26/5.
Ông Thaddeaus Lee, đại diện cổ đông SMBC (Nhật) sở hữu 15% cổ phần Eximbank cho biết ông không chấp nhận và đề nghị xem xét tư cách chủ toạ. Ông Thaddeaus Lee cho rằng các vị trí quan trọng bao gồm Chủ tịch ảnh hưởng rất lớn đến Eximbank. Thời gian qua SMBC đã có nhiều văn bản gửi đến HĐQT về việc công ty này không đồng ý những nghị quyết nhưng không được Eximbank trả lời thấu đáo. Đồng thời yêu cầu Eximbank tôn trọng quyền cổ đông, cho phép cổ đông có quyền kiến nghị, vị trí thích hợp làm vị trí Chủ tọa đoàn là Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Trước hoài nghi của cổ đông, ông Cao Xuân Ninh khẳng định chức danh Chủ tịch HĐQT của mình tại ngân hàng này và Chủ tọa đoàn điều hành phiên họp đều hợp pháp.
Trong thế cân bằng tạm thời, Eximbank đã ban hành Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT |
Ông Cao Xuân Ninh chia sẻ, “chúng tôi rất lấy làm xấu hổ khi đã đẩy Eximbank vào cuộc khủng hoảng này. Eximbank đã từ top 5 ngân hàng TMCP lớn nay rớt xuống top 3 từ dưới lên. HĐQT rất mong muốn thay đổi quản trị điều hành, nhưng thời gian qua đã gặp một số vấn đề phải xử lý, một số cổ đông đã ý kiến về vị trí Chủ tịch HĐQT của tôi, dẫn đến việc tỷ lệ bầu không phản ánh đúng quyền của cổ đông, do đó không đủ tỷ lệ phiếu để thông qua quy chế tiến hành đại hội. Việc này rất đáng tiếc. Tôi đề nghị Trưởng ban kiểm soát xin ý kiến cổ đông một lần nữa. Nếu không đảm bảo thì tôi đành tuyên bố dừng đại hội một lần nữa".
Sau gần 2 giờ đồng hồ họp nhưng chưa thống nhất được việc bầu đoàn chủ tọa và quy chế phiên họp không được các cổ đông thông qua, ông Cao Xuân Ninh cho rằng các vấn đề này đều hợp lệ nhưng một số cổ đông cố tình hiểu sai hoặc do bị tác động bởi quan hệ cá nhân với các nhóm cổ đông khác.
Một ngày trước ĐHCĐ của Eximbank, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) đã có văn bản yêu cầu Eximbank phải đảm bảo công tác tổ chức và phải rà soát lại quản trị, đảm bảo các nghị quyết ban hành tuân thủ đúng trình tự, thủ tục. Ngân hàng này liên tục vướng vào kiện cáo về bầu nhân sự và đã trễ hạn họp ĐHCĐ thường niên.
Trước đó, Eximbank cũng đã phải hoãn đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 26/4 do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, dẫn đến không đủ tỉ lệ để tiến hành và tiếp tục hoãn họp ngày 26/5, chuyển sang họp ngày 21/6 song vẫn bất thành.
Phạm Dũng