AFP: Việt Nam thoát suy thoái toàn cầu nhờ kiểm soát tốt Covid-19
Hãng thông tấn của Pháp nhận định việc xử lý kịp thời và hiệu quả dịch Covid-19 giúp Việt Nam vượt qua sự suy thoái toàn cầu và lọt nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Theo AFP, Việt Nam là một trong những quốc gia xử lý tốt đại dịch Covid-19 trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm và tử vong cao, Việt Nam chỉ mới ghi nhận 1.405 ca dương tính Covid-19 và 35 ca tử vong.
Nhờ các biện pháp kiểm dịch, truy vết tiếp xúc diện rộng và kiểm soát di chuyển chặt chẽ, hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như công ty, nhà máy vẫn mở cửa, người dân vẫn đi lại, làm việc bình thường.
Khi chính phủ nhiều quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu đang kêu gọi người dân ở nhà, người dân Việt Nam đã có thể xúc tiến các hoạt động du lịch trong nước nhờ nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
AFP dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết: "Lệnh giãn cách xã hội ở Việt Nam diễn ra chưa đầy 3 tháng. Các hoạt động trong nước đã nhanh chóng trở lại như cũ từ tháng 6 năm nay".
Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực bất chấp những lo ngại khi các nền kinh tế nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam như châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn gồng mình chống dịch.
"Xuất khẩu vẫn góp phần tăng trưởng trong năm nay. Nguyên nhân do Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào", ông Thành cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đối với các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam như đồ điện tử, gia dụng, nội thất văn phòng, TV hay máy tính tăng vọt trong giai đoạn đại dịch.
Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay, nền kinh tế Việt Nam cũng dự kiến tăng 2,4% trong bối cảnh các quốc gia khác trên thế giới đa phần đều tăng trưởng âm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức sụt giảm nền kinh tế toàn cầu là 4,4%, và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Mặt khác, thương chiến Mỹ - Trung cũng thúc đẩy các công ty lớn như Apple dịch chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế trừng phạt. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 25%, đạt 54,7 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm.
Dù Covid-19 tác động đến ngành du lịch khá nặng nề, trên thực tế nền kinh tế Việt Nam chịu ít ảnh hưởng hơn so với các quốc gia phụ thuộc vào công nghiệp du lịch như Thái Lan. Tại đất nước Chùa Vàng, IMF dự đoán nền kinh tế có thể sụt giảm nghiêm trọng 7,1% trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy kinh tế bằng các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. "Sự gia tăng chất lượng cơ sở hạ tầng tạo ra thêm nhu cầu, bù đắp phần thiệt hại do Covid- 19 gây ra. Đồng thời, nó còn làm giảm tác động của sụt giảm tiêu dùng hộ gia đình và tạo ra thêm việc làm", ông nói.
Theo dữ liệu, đầu tư công trong nước trong 11 tháng đầu năm tăng 34%, cao nhất trong 9 năm qua. Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế tại công ty Mekong Economics, cho biết chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 trong năm nay có thể mở đường cho những lợi ích kéo dài trong nhiều năm tới.
Ông cho biết cách xử lý đại dịch hiệu quả đã "khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới", đồng thời cho các công ty lớn ở nước ngoài cái nhìn khác về Việt Nam.
Lộc Y