Thứ sáu, 22/11/2024 07:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 28/04/2019 15:05 (GMT+7)

62,5 nghìn tỷ đồng dư dả của EVN “trú ẩn” ở đâu?

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi hơn 42.797 tỷ đồng ở ngân hàng không kỳ hạn và gần 19.971 tỷ đem đầu tư tài chính ngắn hạn. Hoạt động kinh doanh điện thua lỗ nên EVN liên tục kiến nghị tăng giá điện để… có nguồn bù lỗ và đầu tư.

62,5 nghìn tỷ đồng dư dả của EVN “trú ẩn” ở đâu? - Ảnh 1
Hàng tỷ đô tiền nhàn rỗi được EVN gửi ngân hàng lấy lãi rất thấp

EVN gửi 42,8 nghìn tỷ vào ngân hàng

“Sức khoẻ” tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam đã và đang là mối quan tâm lớn của người dân vì nhiều năm qua, EVN liên tục báo lỗ nghìn tỷ. Theo đó, giai đoạn 2014-2016, EVN bị lỗ do chi phí sản xuất lớn, lỗ tỷ giá. Riêng năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ hơn 593 tỷ đồng.

Năm 2017, sản xuất kinh doanh điện của EVN bị lỗ tới 1.324 tỷ đồng. Mặc dù có các khoản thu nhập từ tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận từ hợp tác liên doanh trong ngành điện… nhất là có thêm khoản chênh lệch tỷ giá hơn 5.117 tỷ đồng song cả năm 2017 EVN vẫn lỗ 2.219 tỷ đồng.

Đến thời điểm này đã gần hết tháng 4/2019 song EVN vẫn chưa công bố báo cáo tài chính của năm 2018. Số liệu cập nhật đến quý 2/2018 cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất của EVN đạt hơn 161.619 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận gộp đạt 19.219 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đạt gần 2.132 tỷ đồng song chi phí tài chính lên tới 11.901 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, EVN ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.651 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 1.018 tỷ đồng, sụt giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh nhiều năm sa sút, nhưng báo cáo tài chính cho thấy, EVN đang rất dư dả tiền với hơn 52.920 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tính đến cuối quý 2/2018. Trong đó, có hơn 42.797 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 10.433 tỷ đồng so với năm 2017.

Trước đó, giai đoạn năm 2015- 2016, EVN có khoảng 8 – 9 nghìn tỷ đồng trên tài khoản gửi ngân hàng. Nửa đầu năm 2017 là khoảng 20 nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và một năm sau đó, số tiền mặt này đã tăng gấp đôi.

Theo đặc thù ngành sản xuất kinh doanh điện, nguồn tiền thu trong giao dịch mua bán điện là rất lớn, và trong lúc chưa cần sử dụng, doanh nghiệp có thể đem gửi ngân hàng để hưởng lãi suất, tăng thu nhập tài chính.

62,5 nghìn tỷ đồng dư dả của EVN “trú ẩn” ở đâu? - Ảnh 2

EVN gửi hơn 42.797 tỷ đồng ở ngân hàng không kỳ hạn trong nửa đầu năm 2018

Câu hỏi đặt ra là vì sao EVN lại để số tiền lớn như vậy trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn?

Tham khảo lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, có sự chênh lệch rất lớn giữa mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (chỉ ở mức 0,20%/năm) với lãi suất có kỳ hạn tối thiểu 1 tháng là 4,5%/năm. Nếu so sánh với lãi suất kỳ hạn 12 tháng thì biên độ chênh lệch so với lãi suất gửi không kỳ hạn là từ 6-7%/năm.

Với khoản tiền gửi ngân hàng 42.797 tỷ đồng của EVN, thu nhập lãi suất khi gửi không kỳ hạn ước tính chỉ nhận dc hơn 83 tỷ đồng lãi trong một năm. Trong khi đó, nếu lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giả định 5,5%/năm thì EVN có thể nhẹ nhàng “bỏ túi” tầm 1.177 tỷ đồng cho chu kỳ nửa năm. Số lợi nhuận kiếm được từ gửi tiết kiệm còn lớn hơn lợi nhuận kinh doanh điện hàng năm. Chưa kể tập đoàn có thể cân đối tài chính để phân chia khoản tiền gửi kỳ hạn cao hơn, đem lại lợi nhuận tối ưu…

Đối với một khách hàng có lượng tiền dư dả “khổng lồ” cả tỷ đô như EVN, có lẽ rất nhiều ngân hàng lớn nhỏ “thèm khát” được hợp tác huy động nguồn tiền gửi với chi phí rẻ. Trên thực tế, trong cuộc cạnh tranh huy động tiền gửi, cũng không ít ngân hàng đã chấp nhận ngã giá “đi đêm” lãi suất với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như đã xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi lượng tiền rất lớn được gửi vào ngân hàng Oceanbank, để rồi ăn chia phần “lãi chênh” cho các lãnh đạo của PVN… Đại án sai phạm xảy ra ở PVN để lại bài học sâu sắc về buông lỏng quản lý tài chính, thanh kiểm tra ở tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Gần 20 nghìn tỷ đồng đầu tư tài chính

Không chỉ dư dả tiền gửi ngân hàng, báo cáo tài chính cho thấy, đến hết quý 2/2018, số dư các khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn EVN tiếp tục tăng lên mức 25.530 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 19.982 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn, mà khoản mục này EVN không có thuyết minh chi tiết về danh mục đầu tư là gì?

Thế nhưng, quy mô nợ và nợ thuê tài chính của EVN cuối kỳ ở mức 397.467 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ dài hạn chiếm tỷ trọng 94,3%. EVN cũng ghi nhận nợ Phải trả người bán hơn 51.263 tỷ đồng và nợ thuế, nghĩa vụ nhà nước hơn 1.130 tỷ đồng. Dự phòng phải trả lên tới hơn 340 tỷ đồng…

Do việc vay nợ lớn, EVN đang chịu áp lực tài chính trả lãi vay và lãi đến hạn không hề nhỏ. Chi phí tài chính đến cuối quý 2/2018 tiếp tục tăng lên tới 11.901 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 10.585 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh điện thua lỗ thì EVN có thể cơ cấu lại dòng tiền, các khoản tiền gửi một cách hiệu quả để có thể tạo thu nhập tài chính cho tập đoàn, thay vì lãng phí các nguồn lực tài chính do hoạt động kém hiệu quả, quản lý tài chính yếu kém…

Hồi cuối năm 2017, EVN đã từng bị Thanh tra Bộ Tài chính kết luận là “hạch toán sai gần 2.000 tỉ đồng nhưng tăng giá điện để bù lỗ”.

Hải Hà

Bạn đang đọc bài viết 62,5 nghìn tỷ đồng dư dả của EVN “trú ẩn” ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.