6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI rót vào Việt Nam giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước
Tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu vừa công bố sáng 29/6 của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2023 theo giá hiện hành ước đạt 774,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 6 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 147 triệu USD, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI
Trước làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu, nhiều tập đoàn nước ngoài cân nhắc "rót" thêm vốn vào Việt Nam. Nhà đầu tư dự tính đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới, hướng tới sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Sự quan tâm của các “đại bàng” FDI đến thị trường Việt Nam thể hiện rõ hơn qua việc liên tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới tìm cơ hội đầu tư. Từ đây, nhiều biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết.
Chỉ trong nửa đầu năm, Việt Nam đón 2 đoàn doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Hàn Quốc. Tháng 3, hơn 50 doanh Hoa Kỳ đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh.
Tuần trước, hơn 200 Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống thăm chính thức Việt Nam, đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay của Hàn Quốc tới Việt Nam. Hàng loạt MOU giữa doanh nghiệp hai nước được ký kết.
Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital - nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI. Lý giải thích cho nhận định này, ông Michael Kokalari cho rằng, Việt Nam đang theo đuổi “Mô hình phát triển Đông Á” - cách tiếp cận mà các nền kinh tế được ví như “Con hổ của châu Á” đã vận dụng để trở nên giàu có.
Hà Nhi