10 thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất năm 2021
Mặc dù 2021 là năm có nhiều sự nỗ lực để chống lại biến đổi khí hậu những đây cũng là năm chứng kiến rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan thiệt hại lớn về người và của. Đây là 10 thảm họa thời tiết gây tổn thất trong năm qua.
1. Tuyết rơi kỷ lục ở Tây Ban Nha
Trong những tuần đầu tiên của năm 2021, cơn bão Filomena đã mang lại lượng tuyết kỷ lục tại Tây Ban Nha. Đất nước này đã cảnh báo người dân cao tuổi ở trong nhà khi nhiệt độ giảm mạnh.
Trận tuyết lớn nhất trong 50 năm đã làm gián đoạn giao thông ra vào thành phố và gây thiệt hại khoảng 1,6 tỷ USD.
2. Bão Christoph ở Vương quốc Anh
Theo Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, từ ngày 18-20/1/2021 là khoảng thời gian ẩm ướt nhất được ghi nhận đối với Bắc Wales và Tây Bắc nước Anh.
Những ngôi nhà ở Cheshire bị ngập lụt và người dân phải sơ tán khỏi những ngôi nhà ở Manchester và Merseyside. Sau khi bão Christoph tan, tuyết rơi nhiều cũng làm gián đoạn giao thông.
3. Bão Ana ở Fiji
Cơn bão Ana đổ bộ Fiji vào cuối tháng 1/2021, chỉ một tháng sau khi bão cấp 5 Yasa xé toạc các hòn đảo phía Bắc của nước này.
Ông Satyendra Prasad, đại sứ và đại diện thường trực của Fiji tại Liên Hợp Quốc cho biết, cơn bão khiến hơn 10.000 người phải sơ tán tại 318 trung tâm sơ tán trên cả nước và sau đó, đất nước bước vào giai đoạn phục hồi hết sức khó khăn.
4. Băng giá kỷ lục ở miền tây nước Mỹ
Hồi tháng 2, nhiệt độ hạ xuống -13 độ C ở một số khu vực của bang Texas, miền Tây nước Mỹ, khiến 3,5 triệu cơ sở kinh doanh và nhà cửa bị mất điện. Tình trạng mất điện diện rộng trên toàn bang giữa tiết trời giá lạnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.
Theo thống kê, tổng số người chết trong đợt băng giá kỷ lục đã tăng từ 151 lên 210 người vào tháng 7, sau khi chính quyền quyết định bổ sung số người chết do sự cố lưới điện của bang vào con số cuối cùng.
5. Bão bụi ở Trung Quốc
Hồi tháng 3, Trung Quốc đã trải qua trận bão bụi tồi tệ nhất trong một thập kỷ, khiến quốc gia này phải hủy bỏ các chuyến bay và đóng cửa trường học. Các hạt mịn rất nhỏ bao trùm thành phố đã đe dọa sức khỏe người dân bởi chúng có thể xâm nhập sâu vào bên trong phổi.
Tại Bắc Kinh, bầu trời chuyển thành màu cam do khói bụi và ô nhiễm khiến chất lượng không khí trở nên nguy hiểm.
6. Lũ lụt ở New South Wales (Australia)
Vào tháng 3, người dân Sydney và New South Wales (NSW) ở Australia đã chịu ảnh hưởng của lũ lụt nghiêm trọng.
Dịch vụ Khẩn cấp Bang NSW (SES) kêu gọi người dân chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của họ khi những trận mưa như trút nước khiến các con sông và đập tràn bờ, với hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nhà của họ.
7. Bão Seroja ở Indonesia
Vào tháng 4, 160 người đã chết ở Indonesia sau khi một cơn bão nhiệt đới đổ bộ một cụm đảo xa xôi. Lở đất và lũ quét đã khiến ít nhất 22.000 người phải sơ tán.
Bão Seroja đã tiếp cận Tây Australia vài ngày sau khi nó đổ bộ vào Indonesia. Cư dân ở thị trấn Kalbarri, phía Bắc Perth cho biết, cơn bão này mạnh đến mức kinh hoàng. Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan đánh giá, bão Seroja là cơn bão mạnh chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ.
8. Nhiệt độ kỷ lục ở Moscow, thủ đô của Nga
Vào tháng 6 mùa hè năm nay, khi nhiệt độ ở thủ đô Moscow của Nga lên tới 34,8 độ C, đây là mức nhiệt độ kỷ lục tuyệt đối cao nhất chưa từng có trong tháng 6.
Nga cũng ghi nhận nhiệt độ bất thường của đợt nắng nóng kỷ lục tại các thành phố Penza, Vologda và Petrozavodsk.
9. Vòm nhiệt ở Tây Bắc Thái Bình Dương
National Geographic đưa tin, tại Mỹ, nhiệt độ vào tháng 7 đã tăng vọt trên khắp vùng Tây Bắc, được ghi vào sách kỷ lục trong năm nay.
Hiện tượng ''vòm nhiệt'' bao trùm đã dẫn đến hàng loạt cuộc sơ tán trên khắp các bang vốn chưa từng trải qua tình trạng nắng nóng khắc nghiệt như vậy. Hàng trăm người đã thiệt mạng do nắng nóng.
Lytton, một ngôi làng ở British Columbia của Canada cũng bị nhấn chìm và phá hủy phần lớn bởi trận cháy rừng do nhiệt độ quá cao.
10. Vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử bang Oregon, Mỹ
BBC đưa tin, hồi tháng 7, mùa cháy rừng dữ dội hơn bình thường ở Mỹ đã chứng kiến một trong những vụ cháy lớn nhất trong lịch sử bang Oregon, thiêu rụi hơn 150.000 ha diện tích đất.
Hơn 2.000 nhân viên cứu hỏa được huy động để chiến đấu với cháy rừng và mất hơn một tháng để dập tắt các đám cháy. Hàng nghìn ngôi nhà bị đe dọa do cháy rừng và cư dân phải tạm trú tại các trung tâm sơ tán trong bang.
Nguyễn Linh (T/h)