Thứ bảy, 20/04/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ hai, 30/12/2019 07:33 (GMT+7)

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn

Theo dõi KTMT trên

Chỉ đến khi báo chí đồng loạt đưa tin: Hà Giang khánh thành công trình bơm nước không điện duy nhất ở Việt Nam thì người ta mới sửng sốt thốt lên: Sao con người có thể làm được điều kỳ diệu đến như vậy. Nhưng ít ai biết, để có được những dòng nước sạch “leo” hàng nghìn mét lên cao nguyên đá mà không cần điện, các nhà khoa học Việt Nam và Đức đã nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 10 năm.

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 1
Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, mang một vẻ đẹp không đâu có.

Bài 1: Đi tìm nước để phát triển kinh tế

Toạ lạc tại nơi địa đầu của Tổ quốc, cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp không đâu có với điệp trùng núi non hùng vĩ, với sự đa dạng về sinh học, địa chất cũng như đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc trưng. Gần chục năm trước, vẻ hiếm có ấy đã được thế giới công nhận và tại thời điểm ấy, vùng đất đẹp này vẫn nghèo, đời sống của bà con vẫn thiếu thốn nhiều thứ và đặc biệt là thiếu nước.

Đồng Văn quá đẹp nhưng dân lại quá nghèo

Thạc sĩ Hồ Tiến Chung, Điều phối viên Dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, chia sẻ, ý tưởng của công trình này xuất phát từ chính việc đi khảo sát hang động nghiên cứu về địa chất tại khu vực Đồng Văn, từ những năm 2002.

Tại thời điểm ấy, nhóm nghiên cứu nhận thấy khu vực Đồng Văn đẹp quá, nhưng người ở đây dân lại quá nghèo mà không có giải pháp gì giúp bà con cải thiện đời sống. Tất cả là vì thiếu nước.

“Ngày xưa, chúng tôi nghiên cứu địa chất chỉ mang tính chất là bảo tồn thôi, nghiên cứu cả các tỉnh nghèo như Lai Châu, Hà Giang nhưng rồi cũng không có ý tưởng gì để phát triển kinh tế”, Thạc sĩ Chung chia sẻ.

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 2
Đồng Văn quá đẹp nhưng người dân lại quá nghèo. Thiếu nước sạch, nhiều trẻ em phải dành cả một ngày trời chỉ đi gùi nước về cho gia đình, không được đi học.

Năm 2007, ý tưởng về Công viên địa chất toàn cầu được bảo trợ bởi UNESCO là một gợi ý cho Việt Nam xây dựng các công viên địa chất. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong lựa chọn đầu tiên của các nhà khoa học. Mấy nhà địa chất ngồi lại với nhau bàn việc thành lập nhóm nghiên cứu. Họ chợt nghĩ: “Làm được điều này chúng ta đã tìm được một danh hiệu cho cao nguyên đá Đồng Văn để phát triển du lịch”.

Đồng thời lúc đó, Hà Giang cũng bắt đầu nghĩ đến phát triển du lịch cho các huyện vùng cao vì ở những khu vực đó cũng không có tài nguyên gì nhiều ngoài núi đá vôi.

Năm 2009, Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam được thành lập và một năm sau đó, năm 2010, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO. Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Nhờ đó, Cao nguyên đá Đồng Văn được báo, đài đưa tin nhiều, được quảng bá nhiều rồi du khách bắt đầu đến rất đông.

“Bấy giờ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mới bảo bây giờ thì vấn đề nước rất quan trọng, muốn có du lịch thì có khách rồi nhưng phải có nước cho người ta tắm rửa, sinh hoạt”, anh Hồ Tiến Chung nói.

“Thế thì đi kiếm nước”

Đây là câu nói của Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, PGS.TS Trần Tân Văn sau khi nghe trăn trở của lãnh đạo tỉnh Hà Giang và hành trình 10 năm tìm và đưa nước về cho cao nguyên đá Đồng Văn cũng từ những trăn trở đó mà bắt đầu.

Biết và thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước của người dân vùng núi đá Hà Giang, Nhà nước đã từng đầu tư nghiên cứu để phát triển nhiều giải pháp cấp nước khác nhau như: Hồ treo, bơm nước truyền thống từ các sông suối, thu gom nước từ các mó nước trữ vào bể để phân phối cho các hộ gia đình, thu trữ nước mưa quy mô hộ gia đình…

Tuy nhiên, qua thời gian, các giải pháp này đều bộc lộ những hạn chế nhất định: Giải pháp trang bị các chum đựng nước được tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2001 cho một số xã vùng cao khu vực Mèo Vạc (Hà Giang) không phát huy nhiều tác dụng do bị vỡ và nước có nhiều côn trùng. Giải pháp xây dựng các bể chứa nước cho các hộ gia đình tương đối hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư cao và nguồn cung cấp nước cũng thất thường, vẫn bị thiếu vào mùa khô hạn. Giải pháp xây hồ treo rầm rộ một thời nhưng lại khá tốn kém, hay bị hư hỏng, nhiều khi không đủ nước để trữ, nước mất vệ sinh, không thân thiện với môi trường, không hài hòa với cảnh quan...

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 3
Nhiều giải pháp cung cấp nước cho bà con tại Đồng Văn đều bộc lộ những hạn chế nhất định

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, tại khu vực cao nguyên Đồng Văn, tầng chứa nước chính và ngang bằng với mực xâm thực địa phương ở độ sâu khoảng 700m so với khu vực dân sinh sống, người dân thì sinh sống ở độ cao khoảng 1.100-1.200m trong khi nước chỉ ở độ cao khoảng 250m-300m, tức là có rất nhiều nước nhưng nước ở rất sâu, làm sao để lấy được lên để cung cấp cho bà con? Bình thường sử dụng bơm bằng điện thì rất nhiều dự án trước đó cũng đã đề xuất nhưng bơm được nước lên thì giá thành rất cao, lên đến 18.000-20.000 đồng/m3. Mức giá đó thì người dân không thể chịu được, Nhà nước cũng không thể chịu được. Do đó, nhóm nghiên cứu mới cùng với phía Đức nghiên cứu và triển khai công nghệ bơm không dùng điện gọi là PAT (Pump as turbine - PAT).

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 4
10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 5
Khu vực có nước thấp hơn khu vực sinh sống của bà con tại Đồng Văn rất nhiều.

Với cao nguyên đá Đồng Văn, công nghệ PAT có thể cho phép bơm nước (nước chảy bình thường ở trong hang hoặc là lấy ngoài thủy điện trích ra) từ dưới sâu lên đến 600m-700m mà không cần dùng đến một nguồn năng lượng nào khác nữa. “Đầu bài” của nhóm nghiên cứu đặt ra là tối ưu hóa nhưng phải đơn giản và dễ vận hành phù hợp với trình độ của cán bộ địa phương. Trong quá trình làm phải gắn với người dân địa phương, bởi trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật của người dân địa phương còn hạn chế. Do đó, phải làm sao để đào tạo vận hành hệ thống đơn giản nhất và ít phải duy tu, bảo dưỡng.

“Lúc đầu, khi bắt đầu làm dự án và thuyết phục Hà Giang đầu tư cũng rất khó khăn, bởi vì họ không tin có chuyện bơm không cần điện có thể bơm lên độ cao như thế, rồi vốn đầu tư tương đối lớn. Để thuyết phục tỉnh, ban đầu tôi dẫn đoàn đi Indonesia thăm quan công trình tương tự nhưng vẫn chưa quyết tâm lắm. Tôi dẫn một đoàn nữa sang bên Đức thăm quan các công trình có công nghệ tương đương tỉnh mới đồng ý làm”, anh Hồ Tiến Chung chia sẻ.

Dự án ban đầu sẽ lấy nước ở trong hang mà nhóm nghiên cứu tìm thấy khi khảo sát Đồng Văn, bơm qua bãi núi chắn rồi cung cấp nước cho Đồng Văn. Tuy nhiên, sau đó tình cờ nhóm nghiên cứu biết đến nhà máy thủy điện Séo Hồ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang vận hành nhưng không hiệu quả kinh tế. Chính vì thế, khi đề cập đến việc làm nước sạch cho bà con thì EVN bàn giao ngay lại cho tỉnh Hà Giang.

Ban đầu nhóm nghiên cứu định thiết kế công trình sao cho vừa sản xuất điện vừa sản xuất nước thì sẽ khai thác tối ưu thủy điện Séo Hồ bởi dòng suối cấp nước cho nhà máy luôn có nước. Tuy nhiên, dòng nước thay đổi theo mùa rất lớn, mùa mưa nước chảy dồn dập không thể lấy hết được nhưng vào mùa khô, qua kết quả quan trắc ba, bốn năm thì mùa kiệt nhất chỉ còn khoảng 100-120l/giây. Với tốc độ dòng chảy này thì gần như nhà máy thủy điện không hoạt động nữa vì tổn thất sẽ rất là lớn.

Nhưng theo tính toán, ngay cả thời gian mà nước kiệt thì với từng ấy nước, các nhà khoa học vẫn có thể bơm được đủ nước lên cho toàn bộ Đồng Văn. Bà con vẫn có nước vào đúng mùa kiệt.

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 6
Bạn đang đọc bài viết 10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới