Thứ sáu, 29/03/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ năm, 10/09/2020 10:30 (GMT+7)

10 hành động cấp bách để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã

Theo dõi KTMT trên

Nghiêm trị đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, xóa bỏ nạn tham nhũng... là 2 trong số 10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã.

10 hành động cấp bách để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã - Ảnh 1
Quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm phi thương mại. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg về “một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã” của Thủ tướng Chính phủ, chiều nay, 9/9, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã kiến nghị “10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã” tại Việt Nam.

Xóa bỏ tham nhũng, xử nghiêm vi phạm

Theo danh sách kiến nghị, hành động đầu tiên mà ENV đưa ra là nghiêm trị đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Theo đó, cơ quan thực thi pháp luật cần ưu tiên triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán động vật hoang dã lớn bằng cách nỗ lực điều tra, truy tố và xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu các đường dây này.

Thứ hai là xóa bỏ nạn tham nhũng. Các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan chức năng tại khu vực cửa khẩu phải sẵn sàng từ chối những cám dỗ vật chất để không tiếp tay cho các đối tượng tội phạm thông qua hàng hóa bất hợp pháp.

Tiếp đó là nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã. Các kiểm sát viên và thẩm phán trên cả nước kiên quyết thực hiện 3 không: Không khoan nhượng, không thông cảm và không tư lợi trong các vụ án về động vật hoang dã.

Hành động thứ tư là nâng cao hiểu biết về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và những dịch bệnh gần đây để giảm thiểu tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

Thứ năm là nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ ràng việc nghiêm cấm gây nuôi và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như hổ, gấu và truyền thông điệp này đến các bên liên quan.

Hành động thứ sáu là tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phi thương mại.

Thứ bảy là chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Theo đó, Ủy ban Nhân dân và cơ quan chức năng có liên quan tại Thành phố Hà Nội nói chung và huyện Phúc Thọ nói riêng cần tập trung nguồn lực để chấm dứt nuôi gấu, từ đó xóa bỏ hình ảnh không tốt này tại Thủ đô.

Hành động thứ tám là kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các trang trại nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Xây dựng các quy định rõ ràng để quản lý hiệu quả các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại.

Thứ chín là tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã, đặc biệt là vi phạm do người dân thông báo. Theo đó, chính quyền địa phương cần phải có trách nhiệm đảm bảo các cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn tuân thủ pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

10 hành động cấp bách để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã - Ảnh 2
Hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Hành động cuối cùng là tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm về động vật hoang dã trên internet.

Nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán trái phép

Chia sẻ về việc đưa ra 10 hành động trên, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV nhấn mạnh đấu tranh với nạn tham nhũng trong công tác quản lý, bảo vệ và xử lý các vi phạm về động vật hoang dã vẫn là một trong những thách thức lớn nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam.

Hành vi tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, từ việc “lót tay” để được thông quan tại các cửa khẩu hay sân bay, cấp phép thành lập các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã làm “vỏ bọc” cho việc nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên cho tới việc tha bổng đối tượng phạm tội đáng ra phải bị bắt giữ và xử lý nghiêm.

Vì thế, bên cạnh việc xử lý vấn đề tham nhũng, một trong những hành động cấp bách được xác định trong năm 2020 là việc ngăn chặn các mối đe dọa tới sức khỏe và sự an toàn của con người đến từ các loại virus có nguồn gốc từ động vật.

Tuy nhiên, để giảm nguy cơ bùng phát các đại dịch tương tự trong tương lai, ENV cũng đề nghị các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và các bộ, ban, ngành liên quan cùng chia sẻ trách nhiệm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại nguy hiểm của việc mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã cũng như củng cố các nỗ lực quốc gia để kiểm soát nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

“Chỉ cần nhìn vào kết quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã áp dụng Bộ Luật Hình sự mới, tôi tin là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Chúng ta đã thấy nhiều đối tượng phạm tội đã phải lĩnh án tù giam về tội buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, trong đó có cả 4 đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán với quy mô lớn,” bà Quyên nhấn mạnh.

Qua thực tế nêu trên, bà Quyên tin tưởng rằng thành công trong cuộc chiến ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trái phép sẽ nằm trong tầm tay nếu Việt Nam tiếp tục nỗ lực và quyết tâm thực hiện 10 hành động cấp bách này.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết 10 hành động cấp bách để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.