Yên Bái: Đại hội Đoàn đầu tiên không dùng giấy đến nâng cao năng lực số cho cán bộ đoàn
Không sử dụng giấy trong Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027, các đại biểu chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu tài liệu trên ứng dụng, đây là một trong điểm mới của Đại hội.
Tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái khóa XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã ứng dụng chuyển đổi số trong tiến trình tổ chức, qua đó toàn bộ tài liệu Đại hội sẽ được mã hóa bằng mã QR-Code. Trong ứng dụng này, ngoài tài liệu Đại hội sẽ có các nội dung khái quát về văn hóa, con người, địa danh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đồng thời, các đại biểu đến dự đại hội check-in đầu vào để kiểm soát, điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt. Đây là một trong những điểm mới, đặc biệt của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái trong việc nâng cao năng lực số cho cán bộ đoàn đoàn viên và thanh niên.
Với việc sử ứng dụng công nghệ vào tổ chức Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái, Đại hội không sử dụng giấy đã góp phần nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí cho việc in ấn.
Chia sẻ với Phóng viên bên lề Đại hội, chị Lâm Ngọc Ánh (Đoàn đại biểu huyện Yên Bình) cho hay: "Đây là lần đầu tiên trong các Đại hội mà tôi tham dự có điểm danh bằng ứng dụng qua chụp ảnh khuôn mặt, tôi thấy đây là một hình thức mới trong việc vận dụng công nghệ số thời đại mới, tôi thấy việc ứng dụng này sử dụng rất hợp lý.
Với việc sử dụng phần mềm ứng dụng phòng họp không giấy, đã tạo ra nhiều tiện lợi. Thứ nhất, hạn chế giấy tờ gây ảnh hưởng tới môi trường. Thứ hai, việc tìm tài liệu cũng trở nên dễ dàng trên điện thoại thông minh. Khi chủ trì Đại hội, chỉ cần tích vào phần văn bản muốn tìm kiếm sẽ có thể thấy toàn bộ tài liệu mà không phải tìm kiếm lâu như văn bản giấy. Tài liệu cũng sẽ được lưu trữ vào ứng dụng, khi cần có thể tìm thấy dễ dàng."
Phát biểu tại Đại hội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái - ông Hoàng Minh Tiến cho rằng: "Đối với nhiều người khác, rào cản lớn nhất để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả là thiếu nhận thức, kỹ năng số. Đặc biệt là đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, những nơi mà người dân chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ hoặc chưa khám phá ra nhu cầu sử dụng công nghệ số.
Nhưng đối với thanh niên thời nay, nhận thức và kỹ năng số lại cần như là “trời sinh”, chúng ta quá quen với điện thoại thông minh, với Facebook, Zalo, ví điện tử… và thậm chí bây giờ sẽ là không quen nếu không kết nối Internet 24/7."
Ông Hoàng Minh Tiến cũng cho rằng, thanh niên là người tiếp cận công nghệ tốt nhất; có khả năng học hỏi, nắm bắt công nghệ nhanh. Đây cũng là lợi thế rất lớn trong việc thích nghi với môi trường số, với các công nghệ số. Và hiển nhiên người tiếp cận công nghệ nhanh nhất nên là người dẫn đầu về chuyển đổi số. Có thể các bạn không để ý nhưng nhiều trong các bạn đã tham gia chuyển đổi số, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Hiện nay, Yên Bái đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% cấp xã, cấp thôn gồm 1.529 Tổ chuyển đổi số cộng đồng (173 cấp xã và 1.356 cấp thôn) với hơn 10.500 thành viên tham gia. Trong đó, các Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã đều là các đ/c Bí thư Đoàn xã.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng gồm các thành viên khác như giáo viên, công chức, công an xã, nhân viên doanh nghiệp bưu chính - viễn thông và những người dân yêu, đam mê và sẵn sàng thử công nghệ. Nhiệm vụ chính của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lan toả nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số và hỗ trợ người dân trong việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số. Đây là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện thành công chuyển đổi số: Hình dung chúng ta có 1 lực lượng 10.500 thành viên, gần 1,2% dân số Yên Bái tham gia thực hiện chuyển đổi số.
Hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá lạ lẫm với người dân tại nhiều vùng miền, dẫn tới việc người dân vẫn đến các cơ quan Nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính. Đoàn thanh niên, trước hết là hình thành các công dân số, khuyến khích các đoàn viên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tích lũy kĩ năng, kinh nghiệm để hướng dẫn người trong gia đình và người dân thực hiện.
Đoàn thanh niên cơ sở đồng hành cùng chính quyền cơ sở trong việc khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, là bố trí người trực tại các cơ quan Nhà nước để hướng dẫn người dân thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, vừa giảm tải cho cơ quan Nhà nước, vừa nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Khi đã thấy có lợi ích rõ ràng, người dân sẽ dần hình thành thói quen và tự nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà cho những lần sau.
Một việc khác mà tổ chức đoàn có thể tham gia thực hiện chuyển đổi số là việc hỗ trợ, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Việt Nam. Ngành Thông tin và truyền thông đang phối hợp cùng các ngành, tổ chức chính trị xã hội khác như Công Thương, Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Hội nông dân và các doanh nghiệp bưu chính triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nông sản (Vỏ sò, PostMart), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, hướng dẫn các hộ sản xuất gia đình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đoàn Thanh niên có thể tham gia vào các khóa đào tạo kỹ năng, lớp riêng cho cán bộ Đoàn, trước là để học hỏi, trang bị thêm kỹ năng, sau là hướng dẫn, đồng hành cùng người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp.
Đức Mậu