Thứ sáu, 22/11/2024 17:54 (GMT+7)
Thứ tư, 26/04/2023 15:02 (GMT+7)

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Công Thương, để kích cầu tiêu dùng, giảm khó khăn cho doanh nghiệp cần giảm phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Giảm phí là cần thiết và phù hợp

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, cơ quan này cho rằng việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp.

Lý giải quan điểm trên, Bộ Công Thương đánh giá trong năm 2020 và 2022, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, mang lại hiệu quả tích cực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phục hồi, từng bước mở rộng quy mô, nội địa hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tâm lý người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cũng làm ảnh hưởng.

"Doanh số toàn thị trường 3 tháng đầu năm sụt giảm đáng kể, Hyundai Thành Công và Vinfast, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ 2022", Bộ dẫn chứng.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước - Ảnh 1

Trước thực tế thị trường ôtô giảm sút mạnh, cơ quan này cho biết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của kinh tế thế giới, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế trong nước, thì việc Bộ Tài chính có các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến thuế, phí là cần thiết.

“Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Cơ quan này cho rằng có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023 - thời điểm kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khởi sắc. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Lo sợ ảnh hưởng cam kết quốc tế, thu ngân sách địa phương

Trước đó, các hiệp hội, địa phương đã đưa ra kiến nghị với Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2023, đồng thời giảm 50% lệ phí trước bạ với xe trong nước nhằm kích cầu. Theo đó, 2 chính sách hỗ trợ này đã được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế, phí trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó đã nêu quan điểm không ủng hộ tiếp tục giảm phí trước bạ ôtô trong nước. Lý do được đưa ra là vì lo chính sách này sẽ ảnh hưởng tới cam kết quốc tế, thu ngân sách địa phương.

Nhưng đối với việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước, Bộ Tài chính lại dự kiến gia hạn nộp thuế này. Đồng tình với điều này, song Bộ Công Thương đề nghị bổ sung thêm phương án gia hạn thuế phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2023 chậm nhất là 20/12/2023 để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Tài chính trước đó dự tính sẽ gia hạn thuế này cho kỳ tính thuế phát sinh tháng 6-9/2023.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý kiến nghị giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô NK chỉ có lợi cho những DN trực tiếp NK ô tô, còn thực tế không có lợi cho nhóm cộng đồng hưởng thụ.

Theo ông Dũng, nếu đồng ý giảm phí trước bạ cho ô tô nhập sẽ tạo ra sự bất công khi mà ngành công nghiệp ô tô nội địa vẫn đang phát triển trong giai đoạn rất mới và cần có sự hỗ trợ tốt hơn. 

Ông Dũng cho rằng, nếu giảm phí trước bạ cho xe ô tô NK sẽ bất công cho xe lắp ráp trong nước đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy nhiều công ty cung ứng nội địa. Còn nếu các DN NK  ô tô muốn thúc đẩy doanh số trong giai đoạn đầu ra khó khăn thì tốt nhất là nên giảm giá thay vì cầu cứu giảm phí.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới