Vịnh Hạ Long vào nhóm "No list" năm 2024 vì vấn đề xả rác
Mới đây, Tạp chí du lịch Fodor's Travel vừa công bố danh sách "No list" năm 2024, bất ngờ thay vịnh Hạ Long của Việt Nam được nhắc tới. Ngoài ra Tạp chí còn khuyên du khách khách nên xem xét kỹ lưỡng nếu muốn ghé thăm để bảo tồn điểm đến.
“Ngộp thở” trong rác
Theo Fodor's Travel, trên các chuyến du ngoạn trên Vịnh, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến đánh cá trôi nổi cùng với những vệt dầu mỡ bảy màu từ hoạt động chèo thuyền của khách du lịch. Một số du khách cho biết đã thấy những mảng rác rất lớn, còn những khu vực khác thì có một vài mảnh rác vương vãi.
Thống kê từ một nghiên cứu năm 2020, ước tính có 28.283 tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng năm ở Vịnh Hạ Long, trong đó 5.272 tấn thải ra biển. Tổng cộng 34 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch, không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái mong manh. Đã từng có 234 loại rạn san hô trong vịnh, nhưng chỉ còn lại một nửa .
Ngoài ra một vấn đề khác làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải là cộng đồng ngư dân ngày càng phát triển quanh vịnh. Các vỏ nổi làm từ polystyrene được sử dụng sẽ vỡ vụn theo thời gian và tạo thành bột trôi dạt trên bãi biển. Những hạt vi nhựa này hiện được tìm thấy trong các loài cá, tạo ra mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm. Vịnh Hạ Long còn có 20.600 ha ao nuôi.
Fodor's Travel cho rằng Vịnh Hạ Long cần sự nỗ lực bền bỉ và có những hành động phù hợp nhằm ưu tiên bảo vệ kỳ quan thiên nhiên. Ngoài ra việc hạn chế du lịch sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người nhưng nếu không bảo vệ vịnh Hạ Long có thể gây ra những hậu quả lâu dài.
Trước đó Tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng Condé Nast Traveler công bố Vịnh Hạ Long lọt top 51 điểm đến đẹp nhất thế giới. Theo các chuyên gia từ tạp chí này Vịnh Hạ Long được yêu thích vì làn nước trong xanh và những hòn đảo đá vôi trải rộng, tất cả đều có cây nhiệt đới và động vật hoang dã. Không những thế vẻ đẹp huyền ảo được vẽ bởi màu xanh ngọc bích kèm lớp sương mù của Vịnh Hạ Long có thể chinh phục trái tim mọi khách du lịch.
Gìn giữ môi trường di sản thế giới
Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư rất nhiều để Vịnh Hạ Long phát huy được giá trị độc đáo riêng có của mình. Nhưng sự gia tăng của khách du lịch, sự phát triển của các dịch vụ, đô thị ven bờ, khu công nghiệp… đang khiến cho Vịnh Hạ Long đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, chỉ tính riêng lượng rác do du khách xả ra môi trường đã lên tới 6 - 7 tấn, trong đó, chủ yếu là rác thải nhựa.
Từ đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc nuôi trồng thủy sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận. Trước đó chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác. Tỉnh cũng yêu cầu tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản không đúng vị trí được quy hoạch. Qua đó đảm bảo cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long.
Các điểm kinh doanh trên đảo thuộc vịnh sẽ không được sử dụng chai cốc nhựa, túi nylon, đồ uống dùng nhựa một lần; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long phân loại rác thải tại cơ sở, đặc biệt, rác thải có khả năng tái chế (chai nhựa, vỏ lon, giấy…) và thu gom vận chuyển về bờ xử lý theo quy định; Hạn chế sử dụng bao bì, túi ni lông, sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần như cốc và ống hút… tuyên truyền cho du khách hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định khi tham gia các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long…
Chỉ cần mỗi du khách ném một vỏ chai nhựa, một túi ni lông, một hộp nhựa đựng đồ ăn nhanh… xuống Vịnh Hạ Long thì chẳng bao lâu nữa nơi đây sẽ trở thành bãi chứa rác nhựa khổng lồ. Vì vậy, để Vịnh Hạ Long mãi xanh, xứng đáng với danh hiệu đã được thế giới công nhận, không chỉ có.
"No list 2024" xét trên 3 tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch: quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Danh sách không nhằm "hạ bệ hay chê bai" mà thể hiện sự trân trọng và muốn bảo vệ các điểm đến nổi tiếng này.
Nhật Hạ