Thứ sáu, 04/10/2024 03:15 (GMT+7)
Thứ ba, 17/09/2024 10:44 (GMT+7)

Việt Nam thiệt hại tới 40.000 tỷ đồng vì siêu bão Yagi

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.

Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước.

Ngoài thiệt hại về người, theo Bộ này, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.

Việt Nam thiệt hại tới 40.000 tỷ đồng vì siêu bão Yagi - Ảnh 1
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. 

Bão số 3 cũng đã khiến khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.

Các hộ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu của cơ quan này, khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

Bộ KH&ĐT cũng dự báo, hậu quả của cơn bão Yagi khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi.

Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%.

GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.

Còn theo Bộ Công Thương, bão số 3 đã gây thiệt hại và ảnh hưởng tới việc cung ứng điện, xăng dầu và sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa. Trong đó, có 5 đường dây 500kV, 40 đường dây 220kV và 187 đường dây 110kV bị sự cố. 

Lưới điện trung áp, hạ áp tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cột điện gãy đổ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện toàn tỉnh, Hải Dương bị mất khoảng 90% phụ tải.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp bị ngưng trệ, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp bị thiệt hại nặng với hàng trăm dự án. Hiện vẫn còn nhiều khu vực bị mất điện, cô lập và thiếu nhân lực. Vì vậy các khu này vẫn chưa xác định được thời gian dự kiến hoàn thành việc khắc phục.

Với hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, nhiều cơ sở thương mại, chợ truyền thống bị tốc mái. Khu vực sản xuất nuôi trồng và cung ứng thực phẩm, kênh phân phối bị thiệt hại. Hoạt động giao thông, giao thương xuất nhập khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến xuất khẩu các địa phương này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 117.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thiệt hại tới 40.000 tỷ đồng vì siêu bão Yagi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Trong tháng 10 Biển Đông có thể sẽ đón 2 cơn bão
Trong tháng này, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền của nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khoảng 2 cơn.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.