Thứ năm, 21/11/2024 19:32 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/06/2024 11:30 (GMT+7)

Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là một trong những quốc gia rất giàu tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon. Nhưng, thực tế, thị trường phát triển tín chỉ carbon ở nước ta còn nhiều bất cập.

Tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tiềm năng lớn về xuất khẩu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trị giá thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) khi bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.

Trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon, Việt Nam lọt top 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.

Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng? - Ảnh 1
Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng phong phú. 

Theo thống kê, diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiện nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành Lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng. 

Ngoài nguồn tài nguyên rừng phong phú, Việt Nam còn có khả năng bán tín chỉ carbon từ lúa, hay các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà phê, dừa,... nếu được xác lập theo tiêu chí của đối tác. 

Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Theo tính toán, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, tức thu về hơn 7.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Do đó, nếu trồng 1 triệu ha lúa, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon

Hiện nay, trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Các quốc gia này xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn, tạo xu hướng cho các nước chưa tham gia thị trường carbon.

Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện mô hình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm tăng sức cạnh tranh theo hướng phát triển kinh tế ít phát thải, tăng trưởng xanh.

Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng? - Ảnh 2
Sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ chính thức hoạt động từ năm 2028.

Theo đó, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028. 

Như vậy, đến năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện. Đến lúc đó, doanh nghiệp có thể mua bổ sung tín chỉ bù đắp carbon để đạt mục tiêu Net Zero. 

Tín chỉ carbon là một thị trường đầy mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, khung pháp lý hoạt động này còn nhiều hạn chế. Hiện Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó quy định lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế.

Hiện nay, hệ thống chính sách mới chỉ đang quy định những vấn đề cơ bản như giao nhiệm vụ hình thành hoặc đưa ra định nghĩa về các thành phần của thị trường carbon. Để  thị trường carbon hoạt động hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho thị trường này. 

Cần chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon 

Tại cuộc họp Đề án thành lập thị trường tín chí carbon tại Việt Nam vào tháng 1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng? - Ảnh 3
Việt Nam cần chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon.

Theo Phó Thủ tướng, cần phải chủ động  xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.

Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.