Thứ bảy, 23/11/2024 01:54 (GMT+7)
Thứ ba, 13/09/2022 10:01 (GMT+7)

Vì sao xăng dầu vẫn "rộng cửa" để giảm?

Theo dõi KTMT trên

Ngày 12/9, giá xăng RON95 đã được điều chỉnh giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít. Giá xăng hiện thấp nhất kể từ đầu năm.

Xăng giảm góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát

Lý giải về mức giảm giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 12/9, liên liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 5/9 đến ngày 12/9 có biến động khá lớn. Giá xăng dầu có xu hướng giảm do đồng USD tiếp tục tăng giá; ngân hàng Trung ương tại nhiều nước áp dụng chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, cùng với tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn căng thẳng làm kỳ vọng nhu cầu giảm. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá là 98,2 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 7,2 USD/thùng, tương đương giảm 6,8% so với kỳ trước); 103,1 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 5,8 USD/thùng, tương đương giảm 5,3% so với kỳ trước).

Thực tế, giá xăng đã có thể giảm mạnh hơn con số 1.020-1.120 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại phiên điều chỉnh ngày 12/9, liên Bộ Công Thương – Tài chính không chi, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 450-451 đồng/lít (dù giảm trích lập của xăng RON 95).

Vì sao xăng dầu vẫn "rộng cửa" để giảm? - Ảnh 1
Từ 15h ngày 12/9, giá xăng RON95 đã được điều chỉnh giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít. 

Liên bộ cho rằn, mục đích là có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Việc giảm giá xăng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Giá dầu vẫn "neo" cao

Cũng trong kỳ điều chỉnh xăng dầu này, giá dầu diesel giảm 1.008 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng. Mức giá này cũng khiến nhiều doanh nghiệp vẫn tải thất vọng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, ông Đỗ Văn Bằng cho biết, giá dầu diesel hiện vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán, nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận chuyển. Nhưng việc giá nhiên liệu này liên tục biến động mạnh như thời gian vừa qua khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược kinh doanh.

Không những thế, việc giá dầu neo cao kéo theo chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đội giá sản phẩm lên cao, sức mua bị giảm sút, gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị vốn đã khó khăn vì giá xăng dầu nay lại “đói hàng” nên càng lao đao.

“Trong bối cảnh vận tải đường bộ khó khăn vì giá dầu tăng, chúng tôi chịu áp lực ghê gớm. Hầu hết các nhà xe vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động và hy vọng giá dầu giảm trong các kỳ điều hành tới”, ông Bằng nói.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), dầu diesel là nhiên liệu phổ biến cho hoạt động vận tải, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất chế tạo… Khi giá dầu tăng quá cao sẽ tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa đi lên và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Đây sẽ là cú sốc kép đối với người tiêu dùng bởi giá dầu diesel được chuyển sang tay người tiêu dùng thông qua giá bán hàng hóa. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, những đơn vị sử dụng nhiều dầu.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên hỗ trợ theo ngành, theo mức tiêu thụ cho các doanh nghiệp dùng nhiều dầu, như vậy mới thúc đẩy hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận giá dầu tăng kỷ lục, đắt hơn cả xăng đang tác động rất lớn đến hoạt động vận tải, sản xuất, chế tạo, đánh bắt hải sản... Để có thể ổn định sản xuất kinh doanh và hạn chế tác động của giá dầu diesel, Nhà nước có thể tính đến giải pháp hỗ trợ giá dầu.

“Dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất, chế tạo... và dịch vụ vận tải nên khi giá dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trường hợp giá dầu tiếp tục tăng mạnh, kéo dài các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế”, ông Long nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao xăng dầu vẫn "rộng cửa" để giảm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới