Thứ sáu, 26/04/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ ba, 28/05/2019 11:34 (GMT+7)

Vì sao Vinhomes tự tin lãi sau thuế 20.600 tỉ đồng trong năm 2019?

Theo dõi KTMT trên

Hàng loạt dự án bất động sản lớn của Vinhomes sẽ đem về doanh thu hơn 73.200 tỉ đồng trong năm nay, tăng 90% so với năm trước và dự kiến lợi nhuận sau thuế là 20.600 tỷ đồng. Song công ty đang chịu áp lực tài chính khi nợ phải trả gần 32.000 nghìn tỉ đồng.

Bất động sản Vinhomes “đắt hàng”

Ngày 27/5, Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Vinhomes đã thông qua các báo cáo kết quả hoạt động, kế hoạch năm nay, cùng các nội dung tờ trình quan trọng khác.

Theo báo cáo kinh doanh năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt kỷ lục 38.700 tỉ đồng, chủ yếu là nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản là 35.800 tỉ đồng. Trước đó công ty đã đầu tư các dự án lớn gồm: Vinhomes Golden River, Vinhomes Central Park (TP HCM), Vinhomes Metropolis, Vinhomes Green Bay (Hà Nội)... và đến kỳ ghi nhận doanh thu vào năm 2018-2019.

Hoạt động hợp tác đầu tư và kinh doanh phát triển các dự án bất động sản với tập đoàn Vingroup và các đơn vị thành viên cũng đem về khoản doanh thu và lợi nhuận đáng kể, đến từ loạt dự án như: Vinhomes Riverside - The Harmony, Vinhomes Imperia - Hải Phòng, Vinhomes Dragon Bay, Vinhomes Star City - Thanh Hóa và Vinhomes Golden River…

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 của Vinhomes đạt 19.719 tỉ đồng và lãi sau thuế 14.776 tỉ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm trước.

Vì sao Vinhomes tự tin lãi sau thuế 20.600 tỉ đồng trong năm 2019? - Ảnh 1
Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Vinhomes

Năm 2019, Vinhomes dự kiến sẽ thu về 73.200 tỉ đồng doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản, tăng xấp xỉ 90% so với 2018 và khoảng 16.700 tỉ lợi nhuận sau thuế… Tổng lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến đạt 20.600 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2018.

Trước thắc mắc của cổ đông về kế hoạch lợi nhuận 20.600 tỉ đồng có khả thi, Tân Chủ tịch HĐQT Vinhomes Nguyễn Diệu Linh cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn của thị trường BĐS, chúng tôi cho rằng đây chỉ là khó khăn trước mắt. Hiện, thị trường TP.HCM đang rất khan hàng, chủ đầu tư không có hàng để bán. Dự án của Vingroup tại quận 9 sắp tới sẽ xong thủ tục để đẩy việc bán hàng lên cao. Đối với Hà Nội, thị trường phát triển vẫn ổn định, các sản phẩm bán ra có sức tiêu thụ tốt, vẫn có hiện tượng tranh mua tranh bán".

Theo bà Linh, để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận 20.600 tỉ đồng, Vinhomes sẽ kết hợp bán lẻ và bán số lượng lớn cho những nhà đầu tư chiến lược.

Năm nay công ty sẽ tìm kiếm mở rộng các dự án tại nhiều thành phố lớn, cùng với việc tìm kiếm thu gom quỹ đất dành cho kế hoạch phát triển dự án.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối năm 2018 hàng tồn kho bất động sản của Vinhomes tăng mạnh lên tới 35.979 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tồn kho chủ yếu là bất động sản đang xây dựng dở dang (33.683 tỉ đồng), bất động sản đã xây xong (1.287 tỉ đồng), bất động sản mua để bán (1.009 tỉ đồng).

Vay nợ trái phiếu “khủng”

Cùng với việc mở rộng đầu tư hàng loạt dự án đô thị, bất động sản lớn, quy mô nợ của Vinhomes cũng tăng lên rất nhanh. Tại thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả của công ty lên tới 71.544 tỉ đồng, tăng 74% so với hồi đầu năm. Trong số này, nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới hơn một nửa, tương ứng khoảng 42.872 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nợ vay của Vinhomes lên tới 31.908 tỉ đồng, chiếm 44,5% tổng nợ phải trả của công ty và bằng 66,3% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu là 48.145 tỉ đồng, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2017).

Xét trong cơ cấu nợ vay, nợ vay dài hạn chiếm tỷ trọng 80% nợ vay của Vinhomes, tương ứng 25.506 tỉ đồng thông qua kênh tín dụng ngân hàng và bán trái phiếu doanh nghiệp.

Vì sao Vinhomes tự tin lãi sau thuế 20.600 tỉ đồng trong năm 2019? - Ảnh 2
Vinhomes đã được Techcombank "hậu thuẫn" vốn đầu tư dự án thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Vinhomes đã được hai ngân hàng cấp vốn vay lớn nhất là Techcombank với tổng dư nợ cuối năm 2018 là 15.618 tỉ đồng và dư nợ tại VPBank là 22,4 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng cho Vinhomes vay gần 190 tỉ đồng thông qua mua trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Techcombank – ngân hàng đã đồng hành tài trợ vốn cho Vingroup và các công ty thành viên trong hàng chục năm qua – chỉ cấp vốn vay khiêm tốn ở mức 1.421 tỉ đồng cho Vinhomes và nhận thế chấp bằng cổ phần tại Công ty Đô thị Gia lâm và cổ phiếu VRE của một bên thứ ba.

Trong khi đó, Techcombank đã “bơm” vốn mạnh tay cho Vinhomes vay thông qua mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng được xếp vào khoản tín dụng nhưng điều kiện cho vay có phần “dễ thở” hơn khi doanh nghiệp chưa có tài sản đảm bảo hay tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (thuộc Techcombank) đã cho Vinhomes vay vốn lớn qua kênh đầu tư trái phiếu với dư nợ đến cuối năm 2018 là hơn 17.234 tỉ đồng trái phiếu dài hạn, sẽ đáo hạn trong năm 2020-2021 (trong đó có hơn 3.038 tỉ đồng nợ trái phiếu đến hạn trả).

Trong số nợ vay này, có khoảng 6.902 tỉ đồng nợ trái phiếu không có tài sản đảm bảo, số nợ trái phiếu còn lại được đảm bảo bằng tất cả tài sản, quyền và lợi ích của một số công ty tại 3 dự án bất động sản (không có quyền sử dụng đất), quyền tài sản dự án BT giao thông. Thậm chí, Vinhomes còn thế chấp chính cổ phiếu VHM thuộc sở hữu của Vingroup để đảm bảo cho nợ vay trái phiếu tại CTCP Chứng khoán Kỹ Thương…

Có thể thấy, Vinhomes sẽ đối mặt với bài toán cân đối tài chính để đảm bảo trả nợ vay hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ đến hạn trong 2 năm tới, cũng như hiệu quả sử dụng vốn vay cả tỉ USD bởi gánh nặng trả nợ gốc và trả lãi vay ngày càng “dầy” lên nhanh chóng.

Hơn nữa, việc ngân hàng và công ty chứng khoán của ngân hàng “bơm” vốn cho Vinhomes vay thông qua cấp tín dụng và trái phiếu sẽ phải tuân thủ đúng quy định của Luật các tổ chức tín dụng và ngân hàng, đảm bảo các điều kiện cho vay, giới hạn cấp vốn, tài sản đảm bảo, phương án trả nợ… Việc phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro sẽ phải được ngân hàng, công ty chứng khoán tuân thủ theo quy định.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Vinhomes tự tin lãi sau thuế 20.600 tỉ đồng trong năm 2019?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới