Thứ sáu, 29/03/2024 08:07 (GMT+7)
Thứ tư, 03/04/2019 08:46 (GMT+7)

Vì sao Viglacera “câu giờ” chưa tính lại giá đất khi cổ phần hoá?

Theo dõi KTMT trên

Tổng công ty Viglacera (mã: VGC) quản lý quỹ đất hơn 12 triệu m2, nằm chủ yếu ở TP Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương. Nhưng việc tính giá trị đất khi chuyển giao sang CTCP, theo Kiểm toán Nhà nước là “chưa phù hợp Nghị định 59 và Luật đất đai 2013”.

Vì sao Viglacera “câu giờ” chưa tính lại giá đất khi cổ phần hoá? - Ảnh 1
Giá trị hàng chục lô đất khi chuyển giao Viglacera sang mô hình CTCP chỉ là… giá tạm tính

Chênh lệch số liệu quyết toán của Viglacera

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần của Công ty mẹ tại Tổng công ty Viglacera – CTCP.

Ngày 21/7/2014, Viglacera được cấp Giấy chứng khận đăng kí kinh doanh mới (chuyển sang công ty cổ phần) với vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng, trong đó Nhà nước vẫn nắm 53,97% vốn.

Theo Quyết định 619/QĐ-BXĐ ngày 25/6/2013, giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ- TCT Viglacera và trường cao Đẳng nghề Viglacera tại ngày 1/1/2012 để cổ phần hoá là gần 9.464 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.277 tỷ đồng và còn gần 8.298 tỷ đồng giá trị tài sản doanh nghiệp không đưa vào cổ phần hoá.

Vì sao Viglacera “câu giờ” chưa tính lại giá đất khi cổ phần hoá? - Ảnh 2
Giá trị vốn nhà nước tại Viglacera khi chuyển giao sang CTCP là 2.277 tỷ đồng

Biên bản Quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang CTCP đối với Công ty mẹ – TCT Viglacera do Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác lập, sau khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán thì đã có sự chênh lệch số liệu. Cụ thể, tổng tài sản của Viglacera qua kiểm toán là 9.732 tỷ đồng, tăng thêm 4,5 tỷ đồng so với báo cáo Quyết toán. Tổng chi phí hoạt động cũng giảm 4 tỷ, xuống còn 6.459 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng tương ứng, lên 249,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra phần tăng vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao thành công ty cổ phần là 300,2 tỷ đồng, chênh lệch tăng 14,9 tỷ đồng so với số liệu mà Viglacera báo cáo. Do đó, công ty phải tăng tổng số nộp tiền phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN lên 45,3 tỷ đồng thay vì mức 30,4 tỷ đồng trước đó.

Chỉ là giá đất tạm tính?

Kiểm toán về quỹ đất đai của Viglacera, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ngày 1/1/2012, Viglacera đang quản lý tổng diện tích đất hơn 12.013.000 m2. Trong đó, có 10 lô đất tại TP Hà Nội, 5 lô đất tại tỉnh Bắc Ninh 5 lô đất, 2 lô đất ở Quảng Ninh, 3 lô đất ở Bình Dương và 1 lô đất ở TP.HCM.

Tổng công ty đã lập phương án sắp xếp lại nhà đất và đã được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính chấp thuận và Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất.

Viglacera đã thực hiện xác định lại giá trị các lô đất này trên cơ sở diện tích đang sử dụng, phương án sử dụng và giá đất tương ứng. Đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất tại các lô đất trên vẫn là giá tạm tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố năm 2012 và công ty chưa thực hiện điều chỉnh lại giá đất.

“Giá đất tạm tính này là không phù hợp với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Luật Đất đai năm 2013”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Đến tháng 7/2014 khi chuyển giao sang CTCP, 26 lô đất của Viglacera đã có quyết định giao đất cho công ty cổ phần và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa có ý kiến giá đất theo giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường. Việc chưa áp giá đất theo sát thực tế cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “chưa phù hợp với Nghị định 59 và Thông tư 202/2011/TT-BTC”.

Những vấn đề liên quan tới xác định chính xác giá đất, giá trị tài sản nhà nước… là nguyên nhân khiến cho việc quyết toán cổ phần hoá Viglacera vẫn chưa hoàn thành dù đã 5 năm trôi qua.

Đến tháng 12/2018, 26 lô đất đã được chuyển tên trên Quyết định giao đất, đã ký hợp đồng thuê đất và được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời Viglacera vẫn quản lý, sử dụng các lô đất theo phương án sử dụng đất được duyệt.

Nói cách khác, quỹ đất chuyển giao sang Viglacera hiện là “đất sạch”, có diện tích lớn, nằm ở các vị trí đắc địa… phù hợp để phát triển các dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị, công nghiệp có giá trị thị trường cao hơn so với thời điểm năm 2014.

Đơn cử: khu đất 24.796m2 được làm dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn tại quận Cầu Giấy và Mễ Trì (Hà Nội), lô đất 7.280m2 tại dự án Hoàng Hoa Thám, 11.989,2 đất tại huyện Từ Liêm, hay 191.925m2 đất dự án khu chung cư dịch vụ KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh Hà Nội cũng có giá trị lớn…

Đến nay, hiện chưa rõ Viglacera đã đưa ra “giá đất tạm tính” đối với 12 triệu m2 đất được chuyển giao sang CTCP là bao nhiêu?

Vì sao suốt 5 năm qua, tổng công ty này lại chậm trễ điều chỉnh lại mức giá đất chính xác theo đúng quy định và chưa áp giá đất theo sát giá chuyển nhượng đất có mục đích sử dụng tương tự trên thị trường theo Nghị định 59 và Thông tư 202 của Bộ Tài chính?

Những điều này có thể dẫn tới sự sai lệnh giá trị tài sản nhà nước trên sổ sách, khi tài sản bị định giá thấp, giá trị chưa phản ánh đầy đủ vào giá cổ phần Viglacera khi Bộ Xây dựng thoái vốn nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý các tồn tại hạn chế, các vấn đề lưu ý tại phần kết quả kiểm toán trước khi phê duyệt báo cáo quyết toán bàn giao vốn, nhất là vấn đề quyết toán giá trị tài sản đất đai theo giá đất tạm tính, không phù hợp quy định.

Sau 5 năm cổ phần hoá, đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng tiếp tục chào bán gần 80 triệu cổ phần Viglacera để giảm vốn Nhà nước từ 53% xuống còn 36%. Giá khởi điểm là 26.000 đồng/CP, cao gấp 2,6 lần giá bán cổ phần thoái vốn trước đây song không thoái vốn được.

Trong phiên đấu giá ngày 29/3/2019,3 nhà đầu tư tổ chức đã mua toàn bộ 69 triệu cổ phần VCG (nắm 15,4% vốn Viglacera). Với giá trúng đều là 23.000 đồng/cổ phiếu, nhà nước đã thu về gần 1.587 tỷ đồng thoái vốn.Năm 2018, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần gần 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 667 tỷ đồng.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Viglacera “câu giờ” chưa tính lại giá đất khi cổ phần hoá?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.