Vì sao TP.Hà Giang chìm trong biển nước sau cơn mưa cục bộ?
Mưa lớn kéo dài từ đêm 19 đến rạng sáng 21/7, đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất, nhiều tuyến đường bị chia cắt gây ảnh hưởng lớn đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Quốc lộ 2 đoạn cổng chào TP.Hà Giang xảy ra sạt lở khiến giao thông tê liệt.
Mưa lũ, sạt lở đất khiến 3 người thương vong, ngập úng trên diện rộng
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa cục bộ tại Hà Giang kéo dài khiến nhiều điểm trũng không kịp thoát nước, gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, nhất là khu vực TP.Hà Giang.
Có những điểm bị ngập sâu đến 1 mét, nhiều đất đá cùng nước tràn vào nhà. Mưa vào lúc nửa đêm khiến người dân không kịp di dời tài sản. Nhiều đường huyết mạch đã bị sạt lở và ngập cục bộ. Tuyến quốc lộ 2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang đang tạm thời bị tê liệt do sạt lở đất đá.
Mưa ngập ở khu vực quảng trường 26/3, TP.Hà Giang. |
Anh Nguyễn Quang Huy, người dân phường Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang cho biết mưa lớn khiến một số khu vực trũng của TP.Hà Giang ngập sâu cả mét, nhiều ô tô của người dân chìm trong nước.
Theo thống kê nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 9h ngày 21/7, mưa lớn kèm sạt lở đất vào nhà, khiến 2 người dân ở thôn Cóc Nắm, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì tử vong. Ngoài ra, một người bị thương do nước cuốn trôi ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì.
Cũng theo thống kê sơ bộ, có khoảng trên 120 hộ dân ở TP.Hà Giang bị ngập nước. Nhiều tuyến đường bị ngập úng, trong đó, khu vực Trường Nội trú tỉnh, ngõ 200 đường Minh Khai nước ngập cao 1,2m; hàng loạt tổ dân phố thuộc các phường Ngọc Hà, Trần Phú cũng bị ngập nước trên 1m… Khi xảy ra ngập nước, các lực lượng chức năng đã triển khai phương án ứng cứu, giúp đỡ người dân đi lại, vận chuyển đồ đạc
Hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ, xuống cấp
Sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục tình hình ngập úng trên địa bàn.
Sau khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhận định: Việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt; nguyên nhân gây ngập lần này là do mưa lớn kéo dài, hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được mức độ đô thị hóa. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng phối hợp thống kê tình hình thiệt hại, huy động các lực lượng, phương tiện, máy móc cần nhanh chóng bắt bay vào việc giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục tình hình ngập úng trên địa bàn TP.Hà Giang sáng 21/7. |
Do thời tiết còn diễn biến bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ để xử lý thông tin kịp thời. Khi phát sinh các tình huống, cần khẩn trương thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ" để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dưới đây là một số hình ảnh về lũ lụt tại TP.Hà Giang:
Lực lượng chức năng đang triển khai cứu hộ giúp người dân thành phố Hà Giang
Mưa lớn làm đổ tường bao của trường Mầm non Hoa Lan, tổ 1, Minh Khai, TP.Hà Giang. |
Ngập lụt tại nhà dân tổ 14 phường Trần Phú, TP.Hà Giang. |
Nhiều xe ô tô bị ngập nước trong trận mưa sáng ngày 21/7. |
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân cứu hộ xe cộ và tài sản tại TP.Hà Giang. |
Người dân phường Ngọc Hà, TP.Hà Giang vất vả đi lại do nước ngập lụt. |
Nước sông Lô dâng cao dọc theo Quốc lộ 2 tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. |
Có những điểm bị ngập sâu từ nửa mét đến một mét. |
Người dân đi vớt mỳ tôm do ô tô chở đồ cứu trợ bị lật. |
Quang Huy