Thứ năm, 25/04/2024 01:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 06:15 (GMT+7)

Vì sao mùa lễ Vu Lan báo hiếu, người dân đi chùa cầu bình an?

Theo dõi KTMT trên

Mùa lễ Vu Lan báo hiếu là dịp để mọi người dành thời gian đến chùa thành tâm cầu an sức khỏe cho đấng sinh thành.

Mùa Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu năm nay rơi vào ngày 12/8 (dương lịch). 

Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch (xá tội vong nhân) hình thành lễ hội Vu Lan báo hiếu.

Nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Vì sao mùa lễ Vu Lan báo hiếu, người dân đi chùa cầu bình an? - Ảnh 1
Trong ngày lễ Vu Lan, tại các chùa, đạo tràng thường thực hiện nghi lễ “Bông hồng cài áo”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Chính vì vậy, đây là dịp tốt để mọi người dành thời gian cùng gia đình vào chùa trước Tam bảo xin sám hối mọi tội lỗi của bản thân và tổ tiên, cha mẹ người thân. Đồng thời, cầu an, cầu siêu, đọc kinh, làm công quả, cúng dường Tam bảo và chư Tăng, thả đèn hoa đăng.

Từ bao đời nay, người Việt ta đã chọn ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan. Có nhiều cách để thể hiện tình cảm khác nhau vào ngày này, một trong số những cách giới trẻ và nhiều người ngày nay hay chọn đó là đến chùa thành tâm cầu an sức khỏe cho đấng sinh thành.

Cố hòa thượng Thích Thanh Tứ (chùa Quán Sứ, Hà Nội), quan niệm lễ Vu Lan có nghĩa là ngày báo hiếu cha mẹ. “Ngày rằm tháng 7, ta phải cầu nguyện để đức Phật xá tội cho các linh hồn. Con cái phải hiếu thuận với cha mẹ ngay từ khi họ còn sống để sau này không phải hối tiếc”. Chính vì thế, chúng ta luôn coi ngày rằm tháng 7 âm là ngày một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Việc đi chùa thắp hương khấn Phật, cầu an và cầu siêu mang lại tinh tấn may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình bạn là việc nên làm.

Trong mùa Vu Lan, các bạn nên dành thời gian đi chùa thắp hương, vừa là để cầu siêu đồng thời cũng là để cầu an, cầu Đức Phật che chở cho cha mẹ và gia đình mình được an lành đồng thời tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên, cha mẹ.

Nếu không có điều kiện, bạn vẫn có thể thành tâm hướng Phật bất cứ lúc nào. Có câu “Phật tại tâm”, bạn thành tâm thành ý cầu chúc cho cha mẹ được khỏe mạnh bình an, chắc chắn đức Phật cũng sẽ nghe thấy lời kêu cầu của bạn. Còn khi có thời gian, hãy dành thời gian tụng kinh Vu Lan để trọn phận làm con, trọn đạo làm người.

Bên cạnh đó, trong ngày lễ Vu Lan, tại các chùa, đạo tràng thường thực hiện nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Đây là một nghi lễ đẹp và ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu đạo. Trong nghi thức đó, các phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ và màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ. Các con sẽ cố gắng để mẹ luôn được an vui... Ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, dù mẹ đã khuất. Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư.

PV

Bạn đang đọc bài viết Vì sao mùa lễ Vu Lan báo hiếu, người dân đi chùa cầu bình an?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới