Thứ sáu, 27/12/2024 00:55 (GMT+7)
Thứ ba, 07/04/2020 10:32 (GMT+7)

Vì sao LienvietPostBank tăng vốn lớn sau 'thay tướng'?

Theo dõi KTMT trên

Liên tục báo lãi cao, chỉ số tài chính đẹp, LienvietPostBank đã nhanh chóng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Dù vậy, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý thu hồi nợ xấu... là vấn đề quan trọng để cải thiện lợi nhuận và “sức khoẻ” của nhà băng này…

Vì sao LienvietPostBank tăng vốn lớn sau 'thay tướng'? - Ảnh 1
LienvietPostBank liên tục tăng vốn khi sau báo lãi đột biến dù có lúc lợi nhuận “đứt gẫy” không rõ nguyên nhân.

“Đứt gãy” lợi nhuận

Trong vòng 3 năm qua, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank, mã: LPB) liên tục có sự biến động về cơ cấu sở hữu, nhân sự cấp cao. Sau khi cổ đông lớn - Tập đoàn Him Lam thoái hết 14,98% cổ phần, hai lãnh đạo chủ chốt là ông Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng cũng lần lượt rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Cuối năm 2019, vị chủ tịch của LienvietPostBank cũng bất ngờ từ nhiệm, người thay thế là ông Huỳnh Ngọc Huy.

Đây cũng là khoảng thời gian ngân hàng này có sự thay đổi đột ngột về kế hoạch kinh doanh, thậm chí lợi nhuận “đứt gẫy” không rõ nguyên nhân. Tháng 8/2018, LienvietPostBank bất ngờ thay đổi hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh đã được ĐHCĐ thông qua trước đó, nhất là cắt 30% chỉ tiêu lợi nhuận, xuống mức 1.200 tỉ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu tổng tài sản cắt giảm 10.000 tỉ đồng, huy động vốn giảm 10.000 tỉ đồng, hạ chỉ tiêu dự nợ tín dụng và giảm cổ tức 2 % (xuống còn 10%)… Giới tài chính khi ấy nhận định sự rút lui của cổ đông Him Lam đã để lại “khoảng trống” lớn về dòng tiền khiến LienvietPostBank rất khó xoay sở, và thực tế năm 2018, ngân hàng chỉ đạt 1.213 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, vừa vặn hoàn thành chỉ tiêu sau cắt giảm mạnh tay.

Sang năm 2019, tình hình kinh doanh bất ngờ “gió đổi chiều” khi lợi nhuận trước thuế tăng đột biến 68% lên tới 2.039 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 1.600 tỉ đồng. Kết quả này có được nhờ thu nhập lãi thuần đã tăng mạnh 20% nhờ đẩy mạnh hoạt động dịch vụ (lãi thuần tăng 240 tỉ đồng) và kinh doanh ngoại hối (57 tỉ đồng) trong năm 2019. Mặc dù mảng chứng khoán đầu tư bị lỗ tới 53,8 tỉ đồng, chi phí hoạt động tăng thêm gần 1.000 tỉ đồng, nhưng nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận cả năm vẫn tăng mạnh.

Nhờ liên tục báo lãi cao nghìn tỉ, LienvietPostBank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức thông qua phát hành cổ phiếu, giúp nâng vốn điều lệ lên mức 9.770 tỉ đồng trong bối cảnh việc đáp ứng các điều kiện tăng vốn không dễ dàng.

Áp lực xử lý nợ xấu

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank đạt trên 200.000 tỉ đồng, trong đó huy động vốn từ thị trường 1 đạt trên 165.000 tỉ đồng. Các hoạt động thu phí dịch vụ có những chuyển biến khởi sắc tích cực, đạt trên 550 tỉ đồng, cao gấp đôi so với năm 2018 nhờ phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ mới, triển khai nhiều chương trình thúc đẩy hỗ trợ bán hàng và mở rộng thêm 148 phòng giao dịch, nâng tổng số chi nhánh, phòng giao dịch lên gần 540 điểm.

Ngân hàng cũng tập trung xử lý thu hồi nợ xấu, đáng chú ý, ở giai đoạn 2016-2017, quy mô nợ xấu khá khiêm tốn chỉ có 887 tỉ đồng và 1.074 tỉ đồng nhờ chính sách phân loại nợ mới, giúp cho nhiều khoản nợ được cơ cấu gia hạn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 09.

Vì sao LienvietPostBank tăng vốn lớn sau 'thay tướng'? - Ảnh 2
Nợ xấu của LienvietPostBank tăng nhanh vượt hơn 2.030 tỉ đồng.

Ngoài ra, LienvietPostBank đã xử lý nợ xấu bằng cách bán sang Công ty VAMC với giá trị trái phiếu hơn 1.175 tỉ đồng, giảm dần còn 538 tỉ đồng vào cuối năm 2018. Đến cuối 2019, ngân hàng chỉ còn ghi nhận hơn 184 tỉ đồng trái phiếu VAMC. Dù vậy, ngân hàng vẫn phải trích từ lợi nhuận kinh doanh để dự phòng trái phiếu hơn 637 tỉ đồng trong năm 2018, sau đó chỉ trích lập tiếp 175 tỉ đồng vào năm 2019.

Do đó, sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến của LienvietPostBank lại trùng với giai đoạn thực hiện các đợt tăng vốn dồn dập, như năm 2019 xin phát hành cổ phiếu để chia cổ tức của năm 2018 nhằm tăng vốn điều lệ từ 8.881 tỉ đồng, lên 9.770 tỉ đồng.

Sau khi đưa cổ phiếu LPB lên giao dịch Upcom năm 2018 với giá 13.000 đồng/CP, cổ phiếu này đã có những diễn biến bất thường cùng với hoạt động giao dịch của các lãnh đạo, người nhà… Giá LPB có thời điểm tăng vọt lên đỉnh hơn 18.000 đồng/CP, khớp lệnh hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Các lãnh đạo ngân hàng như Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn, vợ ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Nguyễn Đình Thắng… đua đăng kí mua vào cổ phiếu LPB cho mục đích “đầu tư”.

Mặc dù ngân hàng liên tục báo lãi cao, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra, nhưng trong diễn biến thị trường chứng khoán giảm sâu và chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cổ phiếu LPB cũng có những chuỗi ngày dài “đổ đèo” giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao với hàng triệu cổ phiếu LPB...

Cùng với thị trường chứng khoán lao đao vì dịch Covid-19, cổ phiếu LPB hiện chỉ còn dao động trên dưới 6.000 đồng/CP, tức mất tới 67% so với mức đỉnh. Trong những phiên gần đây, khi thị trường hồi phục nhờ thông tin Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca nhiễm mới khá ít trong khi những ca mắc bệnh được chữa khỏi, xuất viện tăng lên... đã giúp LPB hồi phục tích cực. Dù vậy, nhiều cổ đông, nhà đầu tư quan tâm tới những giải pháp kinh doanh của ngân hàng nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch đề ra để hỗ trợ cổ phiếu sớm hồi phục.

Trần Kiên

Bạn đang đọc bài viết Vì sao LienvietPostBank tăng vốn lớn sau 'thay tướng'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.