Vì sao hồ sơ ĐTM của Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam chưa được phê duyệt?
Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” có công suất thiết kế 100 triệu m2 vải/năm với diện tích thuê đất 53,4 ha tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, thành phố Sông Công (Thái Nguyên), hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế xã hội lớn cho tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, dù Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này đã hoàn thành từ nhiều tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) phê duyệt. Sự việc này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia về môi trường.
Dự án không phù hợp vớiquy hoạchKCN Sông Công IIvàngành công nghiệp Dệt May Việt Nam
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” do Công ty TNHH Interweave Holding thực hiện tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên. Dự án này đã được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên chấp nhận chủ trương đầu tư và được Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, Dự án này có những điểm không phù hợp với KCN Sông Công II. Cụ thể, theo Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II đã quy định rõ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với KCN Sông Công II là “chỉ tiếp nhận vào khu công nghiệp các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”; đồng thời, báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên nêu rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm. Trong khi đó, “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” lại có công đoạn nhuộm, có định mức sử dụng nước lớn (khối lượng nước thải phát sinh lên đến 14.500 m3/ngày đêm).
Mặt khác, Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250 ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên do BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo ĐTM từ ngày 16/8/2018. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2018, Dự án KCN Sông Công II vẫn chưa được triển khai xây dựng bất cứ hạng mục hạ tầng kỹ thuật nào; chưa bảo đảm cho việc triển khai các dự án nằm trong phạm vi KCN.
Bên cạnh đó, Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã nêu rõ: “Tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông – tỉnh Phú Thọ, KCN Phổ Yên – tỉnh Thái Nguyên đồng thời phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn” (không đề cập đến KCN Sông Công II – Thái Nguyên). Như vậy, dự án này không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Lo ngạivề vấn đề xử lý nước thảicủa dự án
Nội dung ĐTM của Dự án KCN Sông Công II đã nêu rõ: Tất cả các nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, công suất thiết kế tối đa 5.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo ĐTM thì dự án thuộc ngành nghề dệt có công đoạn nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000 m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400 m3/ngày đêm, cao hơn rất nhiều so với công suất thiết kế tối đa của Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Công II. Đồng thời, theo quy trình công nghệ sản xuất vải, công đoạn nhuộm của dự án có khối lượng nước thải phát sinh lớn, là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên vấn đề xử lý nước thải cần phải được đặc biệt chú ý.
Sau khi tiếp nhận đề nghị của Công ty Interweave Holdings Limited về việc thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án sản xuất vải áo sơ mi, Tổng cục Môi trường đã tổ chức khảo sát thực địa khu vực dự kiến triển khai dự án. Qua quá trình khảo sát, Tổng cục Môi trường nhận thấy, những bất cập về nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải. Mặt khác, theo đề xuất của Chủ dự án, nước thải sau khi được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải của Công ty sẽ được xả thải trực tiếp ra Sông Công, không qua hệ thống xử lý nước thải của KCN Sông Công II. Tuy nhiên, khu vực xả thải lại là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho thành phố Sông Công và khu vực xung quanh; trong đó có một số tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Trong khi đó, Sông Công thuộc lưu vực sông Cầu, nơi đang có các nhà máy khai thác cấp nước sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư, do vậy vấn đề có liên quan đến nhiều địa phương trong khu vực trong trường hợp đầu tư sản xuất và xảy ra vấn đề về sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến việc Chủ đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” đề nghị được tự xử lý nước thải, PGS.TS. Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam chia sẻ với báo chí: Về lý thuyết, bản thân chủ đầu tư dự án nhà máy trong KCN có quyền đề nghị xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng, không đấu nối với hệ thống xử lý trong KCN nếu thấy rằng hệ thống đó không đảm bảo khối lượng xử lý, không xử lý được những thành phần chất thải đặc biệt của nhà máy dệt, may, nhuộm… Tuy nhiên, đề nghị này phải được đơn vị chịu trách nhiệm xử lý nước thải của KCN đồng ý. Và trạm xử lý nước thải riêng của nhà máy này phải đảm bảo quy chuẩn quốc gia về chất thải công nghiệp, quy chuẩn chất thải dệt, may, nhuộm… tổ chức giám sát tốt, cam kết với địa phương về việc đảm bảo chất thải đã được xử lý ra môi trường.
Tổng cục Môi trường hướng dẫn thực hiện lại ĐTM của dự án
Trước những vấn đề nêu trên, Tổng cục Môi trường đã có văn bản số 4651/TCMT-TĐ yêu cầu Chủ đầu tư làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung ĐTM của dự án. Cụ thể, Tổng cục đề nghị Công ty bổ sung giải trình làm rõ lưu lượng, phương thức và vị trí xả thải nước thải sau khi xử lý ra nguồn tiếp nhận (lưu lượng xả thải của Dự án khoảng 14.000 m3/ngày đêm, xả thải trực tiếp ra sông Công). Đồng thời, Tổng cục Môi trường nêu rõ: Báo cáo ĐTM của Dự án này sẽ được thẩm định, phê duyệt sau khi báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.
Đại diện Tổng cục Môi trường khẳng định quan điểm Tổng cục luôn đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phát triển trên cả nước, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường dựa trên tiêu chí không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hiện nay.
Được biết, BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo Chính phủ vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm việc Tổng cục Môi trường trả hồ sơ ĐTM Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Quang Đạo