Thứ sáu, 22/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ ba, 25/07/2023 15:47 (GMT+7)

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng?

Theo dõi KTMT trên

"Mặc dù việc hỗ trợ của ngành Ngân hàng khá tốt nhưng hiện nay số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều" - Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

25% hội viên gặp khó trong tiếp cận vốn

Phát biểu tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp", ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn khi sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt. Để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn đóng vai trò "mạch máu". Chính vì vậy các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi xuất thấp để phục hồi.  

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội DNNVV cũng thừa nhận, hiện nay có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Ông Thân phân tích, khó khăn, rủi ro trong tiếp cận vốn của các DNNVV ở Việt Nam lớn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp thiếu thông tin minh bạch, quản trị chưa theo chuẩn mực; thiếu tài sản bảo đảm...

Bên cạnh đó, ông Thân cũng chỉ ra, bản thân DNNVV vẫn có tâm lý ngại công khai minh bạch, ngại thực hiện các thủ tục hành chính khi niêm yết lên sàn chứng khoán, ngại mất chi phí khi thực hiện các quy trình lên sàn giao dịch… Vì vậy, họ khó tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng hơn.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng? - Ảnh 1
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng.

"Có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV phản ánh hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại", ông Thân nêu rõ và cho hay, bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế, nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III/2023.

Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách, ông Thân cho rằng, giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.

Các ngân hàng cũng đang rơi vào thế khó

GS.TS Nguyễn Thị Mùi, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế đều đang đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm, cầu sản xuất lẫn cầu tiêu dùng đều giảm kéo theo cầu tín dụng giảm. Trong bối cảnh như vậy, 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Còn ở phía ngân hàng thì ngân hàng nào chẳng muốn cho vay bởi lợi nhuận để nuôi sống ngành ngân hàng chủ yếu là hoạt động tín dụng. Nhưng không thể vì muốn đẩy mạnh tín dụng mà cho vay dưới chuẩn được. Chính vì vậy, các ngân hàng hiện nay muốn mở rộng tín dụng cũng vô cùng khó khăn bởi việc tìm kiếm được khách hàng tốt trong thời điểm này là không hề dễ dàng.

“Nói về giải pháp để doanh nghiệp khi đi vay vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp thì cần phải tháo gỡ một loạt chính sách như quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách này đã đưa vào thực tế từ rất lâu nhưng đến nay gần như không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nếu Chính phủ muốn đẩy mạnh tín dụng ra thì Chính phủ cần phải sửa đổi quy định cho vay”, bà Mùi nhấn mạnh.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thực tế hiện nay không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất mà bản thân các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như nợ xấu đang gia tăng, biên lợi nhuận giảm, trong khi áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu, nhất là với các ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước. Bởi vậy, lượng vốn từ kênh tín dụng bơm ra thị trường bị hạn chế, không đủ cung ứng cho nhu cầu nền kinh tế.

Do đó, cùng với rút ngắn độ trễ chính sách tiền tệ, cần phải tập trung vào chính sách tài khóa thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT. Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc suy giảm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 

Cho ý kiến đề xuất Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài.

"Cần cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào 30% các dự án đầu tư công, cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay", ông Thân nói.

Về phía doanh nghiệp, cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

“Đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung. Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn” ông Thân nhận định.

Đó là mục tiêu dài hạn, còn trước mắt, ông Thân khẳng định Hiệp hội DNNVV, Ngân hàng Nhà nước cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như những điều kiện cho vay, nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động hậu kiểm vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.

"Do vậy, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán", Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị.

Xuân Tùng

Bạn đang đọc bài viết Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.