Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết?
HoSE cho biết, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ sau thuế của công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa gửi thông báo đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN), lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Theo đó, sở cho biết, căn cứ quy định của Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng có khả năng bị hủy niêm yết, nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Trong trường hợp Vietnam Airlines, cả hai năm 2020 và 2021 đều bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 cũng ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 5.000 tỷ đồng.
Chưa kể, đến cuối quý 2-2022 hãng bay này còn lỗ lũy kế xấp xỉ 29.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm gần 4.900 tỷ đồng. Đơn vị này còn gánh khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 36.425 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn lên hơn 14.850 tỷ đồng.
"Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm", phía sở nhấn mạnh.
Có thể thấy, nguy cơ cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết là rất lớn. Bởi tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, mặc dù đơn vị này đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt hơn 45.250 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, nhưng lại dự kiến lỗ ròng hơn 9.330 tỷ đồng trong cả năm.
Trên thị trường, cổ phiếu HVN sau giai đoạn ngắn phục hồi từ giữa tháng 6 đến nay đã đảo chiều suy giảm. Tính trong một tuần gần nhất, thị giá cổ phiếu này đã giảm gần 6%, hiện giao dịch ở mức 16.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá HVN cũng đã giảm hơn 30%.
Trong năm nay, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại ngày 30-6, tổng hạn mức tín dụng mà Vietnam Airlines đã ký với các ngân hàng thương mại là khoảng 18.549 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng là khoảng 10.354 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thực tế VNA đang trong tình trạng kinh doanh lỗ và có nguy lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu sau hai năm. Việc xin gia hạn thời gian công bố kết quả kinh doanh quý dù vì lý do gì thì đó cũng là hành động trì hoãn mà các nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi về mục đích.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu VNA bị hủy niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Năm ngoái, VNA cũng đã được "cứu" sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ với quy mô gần 8.000 tỷ đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, công bằng với các doanh nghiệp khác, VNA phải chấp hành nghiêm quy định về công bố thông tin.
Tuy nhiên, xét thấy suốt hơn 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhất là du lịch, hàng không... bị kiệt quệ do dịch Covid-19 nên cùng những hỗ trợ về thuế, lãi suất... cần có chính sách hỗ trợ về chứng khoán.
"Đơn cử doanh nghiệp bình thường nếu bị lỗ 3 năm, lỗ quá vốn chủ sở hữu thì có thể bị hủy niêm yết. Nhưng với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do Covid-19 mà lỗ 3 năm mà đến nay đang hồi phục, tiềm năng rất tốt thì có thể không bị hủy niêm yết", ông Đức gợi ý.
Hà Lan