Thứ năm, 25/04/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ năm, 02/07/2020 09:21 (GMT+7)

Vì sao Bộ Công an yêu cầu Bình Dương cung cấp Kết luận số 250?

Theo dõi KTMT trên

Kết luận số 250 ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh Bình Dương có liên quan đến việc phân lô bán nền tại thành phố Thuận An.

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ, tài liệu để làm rõ dấu hiệu sai phạm tại nhiều dự án bất động sản tại thành phố Thuận An và Dĩ An, trong đó có Kết luận số 250 ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phân lô bán nền tại thành phố Thuận An.

Tách sổ “thần tốc”

Theo hồ sơ, năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương thành lập đoàn thanh tra tình hình phân lô bán nền trên địa bàn thành phố Thuận An. Trong quá trình thanh tra phát hiện 7 khu đất nông nghiệp, 2 khu đất quy hoạch công viên do gia đình bà Phạm Thị Hường (ngụ tại thành phố Thuận An) làm chủ đầu tư không lập phương án tách thửa trình UBND thành phố Thuận An phê duyệt theo quy định và vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Vì sao Bộ Công an yêu cầu Bình Dương cung cấp Kết luận số 250? - Ảnh 1
Một dự án của gia đình bà Hường bị Bộ công an điều tra làm rõ việc phân lô, bán nền.

Các khu đất gia đình bà Hường sở hữu có tổng diện tích hơn 101.000m2, nằm ở các phường Bình Chuẩn, An Phú, Lái Thiêu của thành phố Thuận An. Theo quy định, các khu đất nông nghiệp muốn tách thửa, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải lập thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đầu tư hạ tầng kỹ thuật…Diện tích tách thửa đất nông nghiệp phải tối thiểu 300m2/thửa.

Thế nhưng, gia đình bà Hường chia tách với hình thức phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu nhỏ trên dưới 2.000 m2. Sau đó, tách ra nhiều thửa nhỏ có diện tích khoảng 60 m2 bằng hình thức tặng cho các con và phân chia tài sản.

Làm được điều này, gia đình bà Hường được sự “tiếp tay” của các cán bộ quản lý từ phường tới thành phố. Đặc biệt có sự góp sức của ông Đặng Văn Ba, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuận An. Chỉ sau một thời gian ngắn, 9 khu đất được “phù phép” thành 1.059 "sổ đỏ" có diện tích nhỏ hơn 60m2, có ngày ký tới 107 "sổ đỏ" cho 4 người trong gia đình bà Hường.

Kết luận 250 nêu rõ, “chiêu trò” tách thửa bằng hình thức tặng, cho các con và phân chia tài sản vợ chồng việc tách thửa này có dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật và gây thất thu thuế cho ngân sách. Ở thời điểm kiểm tra, nếu muốn tách thửa để bán đất, gia đình bà Hường phải bỏ ra số tiền hơn 41 tỉ đồng để chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng quy định. Thế nhưng với cách làm sai quy định gia đình bà Hường đã hưởng lợi.

Trước những sai phạm liên tiếp và lặp đi lặp lại, UBND tỉnh Bình Dương chuyển vụ việc qua Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương làm rõ và có kiến nghị xử lý phù hợp. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, Công an tỉnh Bình Dương chưa khởi tố vụ án hình sự.

Xử lý cán bộ tiếp tay cho sai phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, liên quan đến Kết luận 250, tỉnh đã chỉ đạo xử lý các cán bộ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã buông lỏng quản lý làm sai quy định từ cuối năm 2014.

Cụ thể, ông Đỗ Thành Tâm - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Thuận An để cấp dưới sai phạm nên phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu đơn vị thiếu kiểm tra, giám sát.

Vì sao Bộ Công an yêu cầu Bình Dương cung cấp Kết luận số 250? - Ảnh 2
Trong thời gian ngắn, gia đình bà Hường lập nhiều dự án khiến dư luận cho đặt vấn đề có sự "chống lưng" của lãnh đạo địa phương.

Ông Đặng Văn Ba, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuận An đã cố ý vi phạm quy định về đất đai, chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, đã làm thất thu ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng bị cảnh cáo, hiện đã nghỉ hưu.

Cùng hình thức kỷ luật cảnh cáo còn có ông Trần Đình Minh Phước, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thuận An; Phạm Thị Thu Yến -nguyên Trưởng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thuận An; Hoàng Đại Hiệp, chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND Thuận An; Trần Ngọc Sơn, chuyên viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Thuận An. 6 cán bộ khác từ phường đến thành phố chịu hình thức kỷ luật khiển trách.

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, quá trình cảnh sát điều tra làm việc, những sai phạm có thể khắc phục được, không đến mức phải xử lý hình hình sự. Các cá nhân vi phạm về quy trình thủ tục chứ không có động cơ tham nhũng, không thất thoát nên chỉ xử lý vi phạm hành chính. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu chủ đầu tư là bà Phạm Thị Hường khắc phục hậu quả, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp tại các khu đất đã bán cho người dân.

Việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu-Bộ Công an thu thập hồ sơ để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phân lô, bán nền tại các dự án, UBND tỉnh đã cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Địa phương sẽ phối hợp thực hiện theo quy định pháp luật.

Liệu có ai “chống lưng”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 9 khu đất nói trên, 4 công ty của gia đình bà Hường còn xin chủ trương làm 17 dự án với hàng ngàn nền đất là Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam và Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land. Đây cũng là các công ty mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu-Bộ Công an vừa yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ.

Các dự án nằm ở hai thành phố lớn của Bình Dương là Thuận An và Dĩ An được đặt tên là: khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang, Phú Gia Huy, Phú Hồng Lộc, Phú Vinh, Phú Huy, Phú Hồng Thịnh…

Trong 2 năm (2019 và 2020), UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 17 dự án của 4 công ty do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ. Kết quả thanh tra, nguồn gốc đất của các dự án là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã xin lập dự án nhà ở thương mại và nhanh chóng được các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận.

Theo quy hoạch tổng thể, nhiều dự án có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nhưng gia đình bà Hường đã xin điều chỉnh thành đất nhà ở thương mại. Tất cả đều được các cấp thẩm quyền của tỉnh Bình Dương nhanh chóng chấp thuận.

Chỉ trong vòng 4 năm, các công ty của gia đình bà Hường “thâu tóm” các khu đất vàng lập nên hàng chục dự án, tách hàng ngàn nền đất bán cho người dân một cách dễ dàng. Điều này khiến dư luận đặt vấn đề, liệu có sự “chống lưng” do doanh nghiệp là "sân sau" của lãnh đạo nào ở tỉnh Bình Dương nên mới được "ưu ái"?

Thiên Lý

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Công an yêu cầu Bình Dương cung cấp Kết luận số 250?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.