Tuyên Quang: Khai thác khoáng sản ban đêm gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường
Mỗi đêm có nhiều tàu ngang nhiên khai thác cát trái phép tại khu 6, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang khiến bờ sông bị sạt lở và gây ô nhiễm môi trường.
Những ngày đầu tháng 12/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân địa phương về việc trên địa bàn khu 6 xã Trường Sinh (Sơn Dương, Tuyên Quang) liên tục xuất hiện các tàu hút cát hoạt động vào ban đêm. Các tàu này hoạt động thành một nhóm và được tổ chức hết sức chặt chẽ.
Trước đó, vào tháng 10/2021 Tạp chí Kinh tế Môi trường đã từng phản ánh hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép cũng tại địa bàn xã Trường Sinh này qua bài viết :"Sơn Dương - Tuyên Quang: Cát tặc 'tung hoành', đất nông nghiệp trôi sông".
Ngoài việc khai thác cát, sỏi ngoài khung giờ được phép khai thác cát theo quy định của pháp luật thì các tàu này còn cắm thẳng vào bờ khai thác cát. Những hoạt động này không những vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, gây thấy thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, cây cối hoa màu, tài sản nhà của của người dân địa phương.
Theo thông tin do người dân địa phương cung cấp, hàng đêm có 2 tàu hút hoán cải, phao hút tự hành, tàu chở hàng, cùng nhiều phương tiện cảnh giới từ địa phận tỉnh Phú Thọ tiến vào sông Lô thuộc địa phận khu 6, xã Trường Sinh để ăn cát.
Nhóm tàu này không ngần ngại cắm thẳng vòi hút vào chân bãi bồi để hút cát. Lý giải về lý do các đối tượng “cát tặc” chọn khu vực trên hoạt động, người dân địa phương cho rằng ngoài trữ lượng cát dồi dào thì còn do khu vực này nằm trên địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, thiếu sự tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng nhất là vào ban đêm.
Sau khi nhận thông tin phản ánh, Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại địa bàn Khu 6, xã Trường Sinh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) để nắm bắt và ghi nhận những thông tin phản ánh của người dân.
Tiếp xúc với phóng viên, một người dân địa phương (xin được giấu tên – PV) cho biết: “Mấy ngày nay có một số tàu tiến sát vào phía bờ sông thuộc thôn 6 xã Trường Sinh khai thác cát vào ban đêm. Người dân chúng tôi lo sợ đất nông nghiệp sẽ bị trôi theo dòng nước...”.
Sau nhiều đêm theo dõi, Nhóm Phóng viên đã ghi nhận được quá trình hoạt động cũng như thủ đoạn khai thác cát trái phép vào ban đêm của nhóm đối tượng này.
Ban ngày, nhóm đối tượng này cho neo đậu tầu thuyền trên sông Lô thuộc địa phận xã Phú Mỹ (Phù Ninh, Phú Thọ). Khi đêm xuống, sau khi các đối tượng có nhiệm vụ canh gác trên bờ thông báo tình hình an toàn, thì các đối tượng còn lại sẽ điều khiển phương tiện tiến vào khu vực đã được chọn sẵn từ trước đó thuộc địa phận khu 6, xã Trường Sinh để khai thác cát. Theo ghi nhận, nếu không có “biến” nhóm này sẽ đưa tàu vào khu 6, xã Trường Sinh hút trộm cát vào khoảng 23h hàng ngày, khi người dân đã chìm sâu vào trong giấc ngủ.
Để tránh bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện, ngoài việc tắt hết đèn điện trên các phương tiện khai thác cát biến chúng thành những con “tàu ma” trên sông Lô, thì chúng còn tổ chức người và phương tiện canh gác, tuần tra cả dưới sông và trên bờ với số lượng lớn.
Dưới sông, nhóm này dùng tàu nhỏ trang bị đèn pha công suất lớn để cảnh giới mỗi khi thấy động. Với sự cảnh giới như vậy, chỉ cần một biến động nhỏ trên mặt nước cũng như trên bờ đê cũng dễ dàng bị phát hiện. Theo chia sẻ của người dân, với 6 tàu hoạt động, mỗi đêm nhóm tàu này hút được cả nghìn m3 cát từ sông Lô, nguồn lợi thu về là rất lớn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định "Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm". Như vậy, hành vi khai thác này đã vi phạm vào luật khoáng sản. Để xử lý triệt để hành vi ăn cắp tài nguyên khoáng sản của các đối tượng trên địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về “Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
Trao đổi với Phóng viên, ông Đỗ Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết: “Đêm hôm trước (ngày 13/12 - PV), tôi đã nhận thông báo về tình trạng khai thác trái phép tại khu vực trên. Tôi đã cho anh em công an xã ra kiểm tra xử lý. Anh em công an ra đến nơi thì nó lại chạy sang bờ bên kia…”.
Cũng theo ông Trường thì hiện tổ công tác của xã liên tục kiểm tra mật phục suốt nhiều đêm nhưng chưa bắt được nên chưa xác minh được danh tính của nhóm đối tượng đang khai thác cát tặc tại khu vực trên.
Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan ở đâu khi để xảy ra tình trạng nêu trên?
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép; Không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông; Không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
"Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép, bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí, có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý...”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Nhóm PV