Chủ nhật, 24/11/2024 05:14 (GMT+7)
Thứ năm, 15/08/2024 17:06 (GMT+7)

Trong tháng 8/2024 số doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu tăng

Theo dõi KTMT trên

Theo Vis Ratings ước tính, khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn trong tháng 8/2024.

Nhìn vào báo cáo trái thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa được Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (Vis Ratings) công bố cho thấy, trong tháng 7/2024, lượng phát hành trái phiếu mới ở mức 42,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với giá trị 82,4 nghìn tỷ đồng ghi nhận vào tháng trước.

Trong tháng 8/2024 số doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu tăng - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong nửa đầu năm nay, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202,4 nghìn tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.

Về trái phiếu sắp đáo hạn có rủi ro cao, Vis Ratings ước tính trong số 18,6 nghìn tỷ đồng lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 7/2024, khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Trong 12 tháng tới, ước tính khoảng 20% trong số 259 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn là những trái phiếu có rủi ro cao chậm trả nợ gốc đến hạn.

Trong khi đó, giá trị trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao trong tháng 8 này cao hơn so với tháng 7/2024. Theo đó, trong tháng 8/2024, Vis Ratings ước tính khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu từ các ngành bất động sản dân cư và năng lượng. Con số 7,3 nghìn tỷ đồng tăng so với tháng trước là do lượng đáo hạn trong tháng 8/2024 cao gấp 3 lần so với một tháng liền trước.

Cũng theo Vis Ratings, trong số trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao của tháng 8/2024, 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành.

Trong đó, Nova Land, Hưng Thịnh Land và Đại Thịnh Phát là các tổ chức phát hành đã chậm trả nhiều trái phiếu kể từ năm ngoái. Số còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ. Tính đến ngày báo cáo, công ty này chưa công bố số liệu tài chính năm 2023 theo yêu cầu trên cổng thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Liên quan đến chậm trả gốc/lãi phát sinh mới, theo số liệu của Vis Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ đầu năm đến nay là 12,2 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu chậm trả lần đầu trong tháng 7/2024 là 1,24 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 6/2024 (2,2 nghìn tỷ đồng).

Dự báo về triển vọng thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.

Ông Trần Phú Việt lưu ý, lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Cùng với đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo.

Trên thị trường thứ cấp, theo FiinRatings thống kê, thanh khoản bình quân từ đầu năm 2024 đến nay đạt 4.300 tỷ đồng/ngày, trong đó 86,68% là từ trái phiếu riêng lẻ. Đa phần giao dịch là của bank-bonds, chiếm 50,36% và tập trung vào nhóm kỳ hạn giao dịch còn lại trong khoảng từ 1-3 năm (1,66 năm).

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Trong tháng 8/2024 số doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới