Triển lãm “Mầm xanh trên đá” - Tri ân, tưởng nhớ những thanh thiếu niên trong thời kỳ kháng chiến
Triển lãm “Mầm xanh trên đá” là khúc ca tuổi trẻ, là lời tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự hào “giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai”.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá”.
Triển lãm là khúc ca tuổi trẻ, là lời tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự hào “giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai”, góp phần xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng, Ký ức không phai.
Với nội dung “Tuổi xanh nơi ngục lửa”, trưng bày tập trung giới thiệu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt chống thực dân Pháp. Trong quá trình hoạt động, nhiều học sinh, sinh viên, đội viên Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng vẫn can trường đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, tham gia vượt ngục để trở về với cách mạng.
“Ngọn lửa Thành đồng” kể câu chuyện về những cuộc đấu tranh ác liệt với nhiều hình thức của tuổi trẻ miền Nam - nơi Thành đồng Tổ quốc hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh ác liệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi bị địch bắt, giam trong các nhà tù, nhiều học sinh, sinh viên vẫn bất khuất đấu tranh, giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết thanh xuân.
Nhiều thiếu niên sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang như đồng chí Mai Thanh Minh (Mai Bốn). Đồng chí tham gia cách mạng năm 12 tuổi; năm 14 tuổi bị địch bắt, kết án 10 năm tù khổ sai. Tại phiên tòa, khi kẻ địch đưa luật sư đến bào chữa, đồng chí đã phản đối mạnh mẽ: “Tôi đề nghị luật sư hãy biện hộ cho những người xét xử, còn tôi thì không cần”. Sau đó, đồng chí bị giam ở Nhà lao Kho Đạn, Côn Đảo, Chí Hòa và Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đồng chí là một trong những người đi đầu trong các phong trào đấu tranh chống chào cờ địch, diệt ác…
Chiến tranh đã lùi xa, một thời kỳ đấu tranh kiên cường và những năm tháng bị địch bắt tù đày đã trở thành ký ức không thể lãng quên. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ trẻ tuổi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay tiến bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với “Ký ức không phai”, câu chuyện kể về sau khi thoát khỏi ngục tù, các thanh thiếu niên lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Được biết, tên đầy đủ của Đội Thiếu niên Bát Sắt là Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng nghìn học sinh, sinh viên Hà Nội đã hợp sức tạo nên phong trào đấu tranh sôi nổi. Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt có khoảng 40 thành viên trong độ tuổi từ 12 đến 17. Dù nhỏ tuổi, nhưng những thiếu niên này rất dũng cảm, mưu trí.
Chỉ vài ngày sau khi Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu Việt Bắc, năm đội viên đầu tiên đã trở về Hà Nội hoạt động bí mật. Các đội viên đã dũng cảm, mưu trí chuyển thư và tài liệu, trong đó có cả những bức thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các nhân sĩ, trí thức, vận động họ đi theo cách mạng. Các đội viên còn nhiều lần đưa cán bộ vượt vòng vây đến nơi an toàn.
Trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” diễn ra đến hết ngày 30/9/2023. Đây là khúc ca tuổi trẻ, là lời tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trưng bày góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Thành Long