Chủ nhật, 28/04/2024 06:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/07/2023 15:19 (GMT+7)

Triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ đề nghị triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay cho sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng hơn 4,7%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay 14-15%. Trong đó, dư nợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 4% so với cuối 2022 và bằng 18,5% dư nợ nền kinh tế.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm bình quân 0,7%, còn mặt bằng lãi suất vay đã hạ 1% so với cuối năm ngoái sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Việc các doanh nghiệp SME khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%...

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng thích ứng, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn. Việt Nam là nước đang phát triển, trong quá trình chuyển đổi, vừa phải ứng phó với những tác động, ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài; trong khi những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm và bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh: VGP)

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội SME Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp SME đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn, mang lại hiệu quả thiết thực và kịp thời hơn.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đặc biệt, triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề lãi suất cho vay của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Vừa qua cơ quan quản lý ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng, theo bà Hồng, là một cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ các lãi suất điều hành. Từ đó, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại giảm từ 0,7 - 0,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 - 1,2%/năm.

Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động có các gói giảm lãi suất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực được ưu đãi theo chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, qua nửa năm, dư nợ tín dụng mới đạt mức tăng 4,2%, giá trị tuyệt đối là 12,4 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, mức huy động cũng vào khoảng 4,16%, tương đương 12,69 triệu tỷ đồng. Với room tín dụng được giao 14 - 15%, dư địa để các ngân hàng có thể cho vay từ nay đến cuối năm còn rất nhiều.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới