Trích dự phòng nợ xấu 2.162 tỷ đồng, SCB vẫn lãi èo uột
Năm 2018, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng tới 56,4%, đạt hơn 2.892 tỷ đồng. Song chất lượng nợ xấu đi khiến ngân hàng phải dành gần hết lãi để trích dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn vỏn vẹn… 196 tỷ đồng.
Nợ xấu của SCB tăng lên tới 1.266 tỷ đồng cùng với giá trị trái phiếu VACM tăng lên 26.685 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn vừa công bố Báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2018 đã kiểm toán với các chỉ tiêu ít thay đổi so với báo cáo tự lập công bố trước đó.
Trong năm 2018, ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt, đem về thu nhập lãi thuần 2.892 tỷ đồng, tăng trưởng tới 56,4% so với 2017.
Các khoản thu nhập từ hoạt động phi tín dụng tăng ấn tượng, nhất là lãi từ dịch vụ tăng gần 92% đạt 886 tỷ đồng chủ yếu là thu phí từ lĩnh vực bảo hiểm, thẻ, ngân hàng điện tử và thanh toán quốc tế.
Hoạt động khác ghi nhận khoản lãi tăng gần 80% đạt 1.868 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng trước dự phòng rủi ro đạt 2.357 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần con số đạt được trong năm 2017.
Tuy nhiên, do phải trích lập khoản dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 2.162 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế của SCB chỉ còn 196 tỷ đồng, cao hơn 45% so với lãi năm trước.
Năm 2018, SCB duy trì mức tăng trưởng tín dụng chỉ 13,3%, dư nợ tín dụng cuối kỳ đạt 301.892 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,4% xuống còn 0,42% dư nợ. Xét về số tuyệt đối, dư nợ xấu đến cuối năm của SCB đã tăng thêm 6,3% lên tới 1.266 tỷ đồng.
Chưa hết, báo cáo tài chính cũng ghi nhận giá trị trái phiếu VAMC là 26.685 tỷ đồng, tăng gần 12% so với hồi đầu năm. Ngân hàng đã phải trích lập dự phòng 4.806 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC.
Quy mô nợ xấu quá lớn khiến cho SCB phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, với tổng trích lập cho nợ xấu và trái phiếu hơn 7.157 tỷ đồng. Nói cách khác, ngân hàng làm ra bao nhiêu lợi nhuận trong năm thì buộc phải ưu tiên trích dự phòng rủi ro, khiến cho lãi trước thuế duy trì ở mức rất thấp suốt nhiều năm qua. Hơn nữa, với tình hình nợ xấu lớn, đáng ngại ở SCB, nên ngân hàng cũng không được phép chia cổ tức cho cổ đông, dồn nguồn lực để xử lý tái cơ cấu sau khi hợp nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Không chỉ con số lợi nhuận èo uột, mà ngân hàng còn ghi nhận trên báo cáo một lượng lớn lãi và phí dự thu giá trị 48.308 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2017.
Theo đề án tái cơ cấu từ năm 2015 – 2019, NHNN đã phê duyệt cho phép SCB tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành của giai đoạn trước và được ghi nhận lại một số nghiệp vụ trong báo cáo tài chính.
Cụ thể, SCB được cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay thuộc dề án đã được NHNN phê duyệt. Đồng thời tiếp tục cho vay xử lý các khoản lãi dự thu đối với một số dự án đầu tư xây dựng công trình, tiếp tục cho vay hoàn thiện một số dự án dở dang, cho phép trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính.
Theo thông báo, trong tháng 4 này SCB sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên song hiện chưa chốt ngày họp cụ thể. Đại hội lần này sẽ bầu bổ sung nhân sự tại kỳ đại hội 2019 gồm 2 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban kiểm soát sau khi 4 nhân sự của nhiệm kỳ 2017 – 2022 có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân trong năm 2018.
Hiện tại, Chủ tịch HĐQT của SCB là ông Đinh Văn Thành, 3 Phó Chủ tịch là ông Chiêm Minh Dũng, Henry Sun Ka Ziang và Tạ Chiêu Trung cùng 3 thành viên HĐQT khác.
Kim Anh