Thứ tư, 17/04/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/06/2020 08:34 (GMT+7)

Tránh phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần được cảnh báo để chủ động

Theo dõi KTMT trên

Cần có cơ sở dữ liệu cảnh báo hiệu quả về khả năng bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn và dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. EVFTA và các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ là một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài các lợi thế có được khi tham gia các EVFTA, việc quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp (doanh nghiệp). Đây là các công cụ hợp pháp, hiệu quả hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với sự gia tăng của hàng nhập khẩu cũng như hàng nhập khẩu phá giá, trợ cấp.

Bộ Công Thương cho biết, tính đến nay riêng thị trường EU đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam.

Tránh phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần được cảnh báo để chủ động - Ảnh 1
Các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh minh họa: Moit)

Cụ thể, EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này).Trước những đòi hỏi này, ngay trong EVFTA, nội dung phòng vệ thương mại đã bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Cũng theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng. EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước.

Tăng điều tra để ứng phó

Để chủ động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA, đến nay Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại, hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng Cẩm nang thông tin về phòng vệ thương mại trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, để cung cấp thông tin một cách rộng rãi và có hệ thống tới các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

“Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến”, ông Dũng nói.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, tập trung vào tuyên truyền, đào tạo và tư vấn hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên Bộ nhằm tăng cường hiệu quả điều tra và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, Bộ Công Thương triển khai Đề án “Đẩy mạnh áp dụng Hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại”, tạo cơ sở dữ liệu cảnh báo hiệu quả cho doanh nghiệp về khả năng bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, danh sách cảnh báo được xây dựng và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp có thể linh hoạt xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trên cơ sở theo dõi, cập nhật số liệu xuất khẩu của Việt Nam, các vụ việc phòng vệ thương mại EU tiến hành điều tra với các nước, tiến hành nghiên cứu dự báo các nguy cơ về tranh chấp thương mại, các hoạt động gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với một số sản phẩm có nguy cơ bị điều tra (ví dụ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, đã từng bị EU điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường lân cận…).

Mặt khác, Bộ Công Thương đề xuất tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế. Kết hợp xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU trong các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan.

Nguyễn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Tránh phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần được cảnh báo để chủ động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, hướng về DN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Tin mới