Thứ sáu, 29/03/2024 18:15 (GMT+7)
Thứ hai, 07/12/2020 10:00 (GMT+7)

TP.HCM và Bình Dương loay hoay tìm phương án ‘giải cứu’ kênh Ba Bò

Theo dõi KTMT trên

Sở TN&MT TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều kế hoạch kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò. Từ năm 2017 đến nay, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề.

Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản trả lời cử tri về tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò.

Trước đó, cử tri khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM) đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò. Đồng thời xem xét giải quyết tình trạng xả rác thải ở khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, tình trạng lưu lượng xe tải chạy vào khu dân cư, không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân tại khu vực này.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Sở TN&MT cho biết, kênh Ba Bò là một trong những tuyến kênh tiêu thoát nước của tỉnh Bình Dương và TP.HCM với diện tích lưu vực khoảng 1.400 ha thuộc tỉnh Bình Dương và 160 ha thuộc TP.HCM. Sở TN&MT và tỉnh Bình Dương đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều kế hoạch kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò. Từ năm 2017 đến nay, tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò đã được kiểm soát, chất lượng nước kênh đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề.

Tại một số thời điểm, nước thải có màu đen, bốc mùi hôi, xuất hiện bọt khí trắng xóa. Tại phần đất giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM vẫn tồn tại tình trạng đổ rác bừa bãi của các hộ dân xung quanh, đồng thời còn một số hộ chăn nuôi vẫn hoạt động. Vấn đề ô nhiễm nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý triệt để.

Để khắc phục các tình trạng trên, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung sau: Sở KH&CN phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, đề xuất bổ sung, cải tiến các hạng mục công trình trên kênh cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo công trình vận hành hiệu quả; Sở TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải vào tuyến kênh Ba Bò.

Về tình trạng rác thải ở khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Sở TN&MT cho biết công tác thu gom, vận chuyển rác thải của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hiện nay do UBND quận Thủ Đức quản lý và ban quản lý chợ thực hiện. Sở TN&MT TP sẽ phối hợp với UBND quận Thủ Đức yêu cầu đơn vị thu gom, vận chuyển đảm bảo chất lượng vệ sinh tại khu vực này.

TP.HCM và Bình Dương loay hoay tìm phương án ‘giải cứu’ kênh Ba Bò - Ảnh 1
Kênh Ba Bò ô nhiễm kéo dài khiến người dân bức xúc.

Bắt nguồn từ khu vực ven khu công nghiệp ở TP.Dĩ An (Bình Dương), kênh Ba Bò chảy qua địa bàn giáp ranh quận 12 (TP.HCM) rồi đổ ra sông Sài Gòn. Toàn tuyến kênh dài khoảng 5km. Nhiều người nói đây là "dòng kênh chết" bởi bị ô nhiễm nặng, màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Từ năm 2009, TP.HCM và Bình Dương đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò nhằm cải thiện thực trạng ô nhiễm nói trên. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai dự án, ô nhiễm nơi đây không hề thuyên giảm. Ngày ngày,  người dân khốn khổ sống chung với mùi hôi thối...

Về dự án cải tạo kênh Ba Bò, sau khi xây dựng, kênh Ba Bò lớn hơn cả chục lần với đáy kênh rộng 12m, miệng kênh 24m. Không thể phủ nhận việc cải tạo kênh Ba Bò đáp ứng được nhu cầu thoát nước, mở được đường nhánh phụ góp phần giải quyết được áp lực giao thông trên đường tỉnh lộ 43 và đường Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức). Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa có lối ra.

Theo một chuyên gia về môi trường, nguyên nhân là do hồ lắng, hồ sinh học chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt chứ không xử lý được nước thải công nghiệp. Còn theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò thêm ô nhiễm là do một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh này.

Theo Sở TN&MT Bình Dương, tổng lượng nước thải từ phía thượng nguồn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò là 18.900 - 20.100m3/ngày đêm.

Kết quả quan trắc vào tháng 4/2018 so với năm 2017 (thời điểm UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương ký kế hoạch phối hợp) cho thấy nhiều chỉ số ô nhiễm đã giảm.

Tuy nhiên, Sở TN&MT Bình Dương cũng thừa nhận một thực trạng "chưa phải tất cả các nguồn thải vào kênh Ba Bò đã được xử lý".

Từng trao đổi với báo Tuổi trẻ, đại diện Sở TN&MT Bình Dương cho biết, nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân khu vực TP.Thuận An, Dĩ An chưa được xử lý triệt để.

Bởi dù tỉnh đã đưa vào hoạt động hai nhà máy xử lý nước thải lên tới 17.000 - 20.000m3/ngày đêm/nhà máy (sử dụng cho cả vùng, trong đó có khu vực kênh Ba Bò) nhưng tới nay tỉ lệ đấu nối nguồn nước thải vào hệ thống xử lý của người dân còn thấp.

Tính tới giữa năm 2018, chỉ tính riêng trên đường DT743C, tỉnh lộ 43 với khoảng 550 hộ dân mới có chưa đầy 100 hộ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải...

Nguyên nhân người dân chậm đấu nối vì ngại, sợ tốn chi phí... nên UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét phương án hỗ trợ chi phí, khuyến khích người dân đấu nối.

Đối với nước thải công nghiệp là nguồn thải chính vào kênh Ba Bò, sau khi phát hiện dấu hiệu "kênh Ba Bò ô nhiễm trở lại" vào cuối năm 2017, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xác định nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2 có dấu hiệu quá tải.

Nhiều thời điểm nguồn thải từ các nơi đổ về cùng lúc quá nhiều, dẫn tới hồ chứa nước xử lý của nhà máy trên bị tràn.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM và Bình Dương loay hoay tìm phương án ‘giải cứu’ kênh Ba Bò. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.