Thứ tư, 01/05/2024 14:11 (GMT+7)
Thứ ba, 04/04/2023 07:09 (GMT+7)

TP.HCM: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi KTMT trên

Thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến nguồn cầu sụt giảm do tâm lý thị trường vẫn suy yếu, lãi suất cao kéo theo triển vọng thị trường thấp. Cùng với đó, vướng mắc về pháp lý của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn “nan giải”.

Tăng trưởng âm trong quý I/2023

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, kinh doanh bất động sản là ngành có mức tăng trưởng âm nặng nề nhất trong 4 ngành dịch vụ trọng yếu, với mức sụt giảm lên đến 16,2% so với cùng kỳ 2022. Trong khi doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh đến 17,8%.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, có 280 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản với vốn đăng ký đạt 6.472,6 tỷ đồng, giảm 82,8%.

TP.HCM: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc - Ảnh 1
Ngành bất động sản có mức tăng trưởng âm nặng nề nhất trong 4 ngành dịch vụ trọng yếu.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản TP.HCM của JLL Việt Nam mới đây, trong quý I/2023, thị trường căn hộ phân khúc cao (bao gồm phân khúc cao cấp, sang trọng và siêu sang) ghi nhận được 2.785 căn đã bán.

Đáng chú ý là tới 87% số lượng căn bán được đến từ phân khu Beverly của đại đô thị Vinhomes Grand Park, đã được giới thiệu trên thị trường (dưới hình thức tiền mở bán) từ quý IV/2021 trước khi mở bán chính thức trong quý này.

Đại diện JLL cho biết, bên cạnh yếu tố ngắn hạn này, thị trường nhìn chung đang chứng kiến nguồn cầu sụt giảm do tâm lý thị trường vẫn suy yếu, lãi suất cao kéo theo triển vọng thị trường thấp. Nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng chính sách chiết khấu, gia hạn thời gian thanh toán để thu hút người mua.

Đối với thị trường nhà liền thổ, số lượng giao dịch ghi nhận mức giảm mạnh 91,7% so với quý trước (giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước), chỉ với 19 căn bán, hầu hết người mua và nhà đầu tư áp dụng chiến thuật "chờ và xem" trong bối cảnh thị trường trầm lắng và còn nhiều bất ổn pháp lý. Các giao dịch này đến từ các dự án đã mở bán từ trước như Global City, The Classia và Vinhomes Grand Park.

“Thị trường căn hộ phân khúc cao và nhà liền thổ dự kiến ​​sẽ chào đón lần lượt khoảng 6.000 căn và 1.000 căn vào năm 2023. Tương tự, nguồn cầu được dự báo sẽ vẫn yếu, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023 khi thị trường tiếp tục đối mặt với những khó khăn kinh tế làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư nhà ở", đại diện JLL dự đoán.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, sự sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM có nguyên nhân từ ngành nghề kinh doanh bất động sản là một ngành chủ lực của TP lại giảm lớn nhất, tới 16,2%, đã kéo theo ngành xây dựng sụt giảm 17%. Rồi các ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất... cũng giảm mạnh theo. Chỉ tính 156 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp tại TP.HCM đang bị ách tắc thì một nguồn lực khổng lồ đã bị chôn vào đây. 

Doanh nghiệp còn “chật vật” ở vấn đề pháp lý

Đại diện của Công ty Gotec Land, chủ đầu tư dự án Shizen Home (Q.7), một trong số 7 dự án được UBND TP.HCM xếp lịch họp đợt đầu tiên để tháo gỡ những vướng mắc cho biết, sau cuộc làm việc ngày 20.2 và doanh nghiệp đã báo cáo toàn bộ những vướng mắc khó khăn, pháp lý dự án, nhưng đến nay TP vẫn chưa có động thái gì cụ thể. 

Dự án của doanh nghiệp này đã đóng xong tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án, Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng ngày 13.5.2021. Đồng thời, công trình thuộc dự án đã thi công hoàn thành xong phần móng, hầm, tầng 1, đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo kế hoạch. Công trình cũng đã được nghiệm thu hoàn thành phần móng, hầm theo biên bản nghiệm thu ngày 22.6.2022.

TP.HCM: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc - Ảnh 2
Dự án Shizen Home thiệt hại lớn vì ách tắc thủ tục.

Theo luật Kinh doanh bất động sản, dự án này đã đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thế nhưng sau nhiều lần nộp hồ sơ lần 1 để đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại đã bị Sở Xây dựng "bác". Điều này đã khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Rơi vào đường cùng, doanh nghiệp này đã có đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM. Đồng thời, khiếu nại việc làm trái luật của Sở Xây dựng. Thế nhưng như nói trên, dù họp hành không ít lần nhưng đến ngày 2.4.2023, những khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.

Hay như trường hợp chủ đầu tư dự án Sunwah Pearl (Q.Bình Thạnh), dù Chủ tịch UBND TP.HCM đã duyệt số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, thế nhưng đã hơn 2 năm qua dù Cục Thuế TP.HCM có nhiều văn bản gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ qua đơn vị này để ra thông báo đóng tiền, nhưng không nhận được hồi âm. Điều này kéo theo hệ lụy là hàng trăm căn hộ tại dự án này bị "treo" sổ hồng mấy năm qua.

Về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận xét, Chính phủ ra sức chỉ đạo nhưng ở cấp địa phương vẫn làm rất chậm. Trong khi nguồn thu của các địa phương, trong đó có TP.HCM, đa số đến từ bất động sản nên việc các dự án "đắp mền" không thể triển khai không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân mà còn cho cả ngân sách nhà nước khi không thể thu được tiền sử dụng đất, các loại thuế, phí. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, HoREA đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng tổng hợp danh mục 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc. Hiệp hội nhận thấy vấn đề pháp lý chiếm 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản.

“Thông tin trước đây của Sở Xây dựng, TP.HCM có khoảng 64 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý, nhưng trong đề xuất phân nhóm vướng mắc của sở chưa đề cập nội dung này. Do đó, HoREA đề nghị Sở Xây dựng và UBND TP.HCM xem xét phân nhóm vướng mắc pháp lý và đề nghị giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp xem xét giải quyết”, ông Châu cho biết thêm.

Vũ Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.