TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày kể từ 0h 9/7
Sau 4 lần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM chính thức quyết định áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định TP.HCM đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch. Do đó, thành phố phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.
"Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Phong thông báo.
Từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM đã 4 lần thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc (quận 12). Ngày 14/6, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách đầu tiên nhưng số ca nhiễm không giảm, thành phố ghi nhận 871 ca nhiễm.
Từ ngày 15/6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố. Số ca nhiễm vẫn tăng, do đó, ngày 20/6, chính quyền TP.HCM ban hành riêng Chỉ thị 10 (hay còn gọi là Chỉ thị 15+) với yêu cầu giãn cách 1,5 m; không tập trung quá 3 người nơi công cộng; tạm dừng chợ tự phát...
Ngày 28/6, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ 0h ngày 29/6. UBND TP.HCM cũng ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP.Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP.Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.
Sáng 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất TP.HCM tiếp tục án dụng Chỉ thị 10, lập phương án kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP.HCM. Cách thức là kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với nCoV được cung cấp qua mã QR code. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với TP.HCM để hợp mã QR code với hệ thống thông tin về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm và khai báo y tế.
TP.HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước.
Thu Hằng
(Theo Zingnews.vn)