Thứ ba, 23/04/2024 14:42 (GMT+7)
Thứ hai, 18/07/2022 13:57 (GMT+7)

TP.HCM: Tồn tại nhiều bấp cập trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế

Theo dõi KTMT trên

Việc phân loại, lưu trữ, thu gom, vận chuyển chất thải y tế ở các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM chưa được thực hiện triệt để, đúng theo quy định. Từ đó dẫn đến khó khăn cho việc xử lý và ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) trong 6 tháng đầu năm 2022, có khoảng 30 - 40 tấn chất thải rắn y tế nguy hại (trong đó, 90% chất thải y tế nguy hại, 10% là chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19). Trong đó, lượng chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid – 19 tại các các cơ sở y tế trên toàn thành phố năm 2022 khoảng 3-5 tấn/ngày, phát sinh chủ yếu từ các khu/khoa điều trị bệnh nhân Sars – CoV – 2 của các bệnh viện.

TP.HCM: Tồn tại nhiều bấp cập trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế - Ảnh 1
Chất thải y tế đang là vấn đề nan giải, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn TP.HCM chủ yếu từ 6.511 cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm chuyên ngành thuộc hệ dự phòng, chi cục, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám gia đình và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép.

Thành phần của chất thải rắn y tế bao gồm: Kim loại, vỏ hộp kim loại, kim tiêm, ống tiêm; Dây truyền dịch, chai truyền dịch, bông băng dính máu; Bao bì y tế nguy hại thải bỏ; Các bệnh phẩm sau mổ và các loại chất thải khác có chứa thành phần nguy hại,...

Mặc dù lượng chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế là rất lớn, thế nhưng công tác thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý còn đang tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, theo Citenco khảo sát thì hiện nay cách bố trí khu vực lưu chứa tại một số cơ sở y tế chưa đảm bảo; Các thiết bị lưu chứa không đúng theo quy định tiêu chuẩn, quy cách theo quy định; Nhà lưu chứa tạm chất thải y tế nguy hại một số nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; Một số nhà lưu chứa tạm tại các cơ sở y tế chưa bố trí lối đi riêng cho các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ đó gây khó khăn cho các đơn vị thu gom.

Bên cạnh đó, mặc dù các cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải y tế nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải không nguy hại, phân loại riêng chất thải sinh hoạt và chất thải y tế nguy hại. Tuy nhiên, hầu hết các sơ sở y tế hiện chưa thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật bảo vệ môi trường và Quyết định 09 của UBND Thành phố.

Đồng thời, các đơn vị xử lý chất thải y tế nguy hại chưa chú trọng các giải pháp thu hồi, tái chế chất thải y tế nguy hại; TP.HCM hiện chưa có khu và đơn vị xử lý, tái chế chất thải y tế nguy hại tập trung với công suất lớn.

Từ những bất cập còn tồn tại, Citenco và các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đề xuất UBND TP đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chế tài đối với các cơ sở y tế chưa thực hiện phân loại chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại nguồn và chưa thực hiện đúng theo quy đinh về quản lý chất thải y tế.

Để hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại được thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng quy định và không gây ô nhiễm môi trường TP.HCM cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại không thực hiện đúng quy định.

Thành phố cần quy hoạch khu xử lý chất thải y tế tập trung với quy mô, công suất lớn và áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị. Có cơ chế khuyết khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị áp dụng công nghệ tái chế trong xử lý chất thải y tế nguy hại.

Xử lý chất thải y tế rất khó, cần có phương pháp tối ưu hơn!

Theo tìm hiểu, trên địa bàn TP.HCM hiện có 3 đơn vị đủ chức năng thu gom và vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại. Trong đó, 90% chất thải y tế nguy hại được thu gom do Citenco thực hiện, 10% do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc. Sau khi thu gom, khối lượng chất thải y tế sẽ được vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), lò đốt Bình Hưng Hòa và tại cơ sở xử lý của 2 đơn vị là Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc để xử lý bằng phương pháp đốt.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc xử lý chất thải y tế, đại diện một công ty xử lý rác TP.HCM cho rằng: “Việc xử lý chất thải y tế đòi hỏi công nghệ phải cao. Vấn đề lớn nhất của việc xử lý chất thải y tế không phải là sử dụng phương pháp đốt hay một phương pháp nào khác mà vấn đề quan trọng nhất đó là việc phát tán hơi và khói trong quá trình xử lý.

Về phương pháp đốt để xử lý chất thải y tế đòi hỏi phải đốt ở nhiệt độ rất cao thì mới diệt hết được các vi khuẩn, tuy nhiên, khi đốt sẽ ra khói và phát sinh mùi. Nếu không xử lý tốt khói và mùi thì sức người dân và môi trường cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều cho nên việc xử lý chất thải y tế đòi hỏi công nghệ rất cao và hiện đại.

Bởi trong chất thải y tế nguy hại chứa những chất phóng xạ và các chất độc hóa học, chính vì thế quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý đòi hỏi phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Việc xử lý chất thải y tế đòi hỏi phải cần những công nghệ tiên tiến và quy trình chặt chẽ vì vậy giá để xử lý chất thải y tế sẽ rất cao”.

“Hiện nay, có nhiều công nghệ xử lý chất thải y tế nhưng theo tôi được biết tại Việt Nam chưa có công nghệ nào để có thể xử lý triệt để các chất nguy hại trong chất thải y tế. Ngoài phương pháp đốt thì còn nhiều phương pháp khác xử lý chất thải y tế khác, điển hình là phương pháp hấp rác để diệt vi khuẩn, vius” – vị này nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tồn tại nhiều bấp cập trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới